Hàu cửa sông

:
: Crassostrea rivularis (Gould, 1861)
: Hầu cửa sông, hà
Phân loại
Crassostrea rivularis(Gould, 1861)
Ảnh Hàu cửa sông
Đặc điểm

Các mẫu hàu cửa sông C. rivularis sử dụng trong nghiên cứu đều có thịt trắng. Theo nghiên cứu của Wang và cộng sự (2004) thì hàu cửa sông C. rivularis được chia thành hai loại dựa vào màu sắc của thịt: hàu thịt đỏ và hàu thịt trắng. Sau khi lật lớp áo lên, nhìn thấy bốn dãy ống nước của mang. Mép áo màu tím đen (Hình 3).

Vỏ của hàu cửa sông C. rivularis thon dài. Vỏ trái (vỏ trên) có hình chén sâu và vỏ phải hơi lồi. Vỏ trái lớn hơn và dày hơn so với vỏ phải. Vỏ phải (vỏ dưới) tương đối nhẵn với các lớp phức tạp bao gồm các lớp mỏng trùm lắp lên nhau, dễ vỡ và đồng tâm. Không có các gân phóng xạ lồi ra từ bề mặt của mỗi mảnh vỏ.


Màu sắc của vỏ hàu cửa sông C. rivularis thay đổi từ trắng, xám nhạt, xám, vàng hoặc vàng nhạt đến tía. Các lớp mỏng gần mép thường có màu tối hơn và các lớp mỏng gần mấu lồi bị bào mòn và có màu trắng. Mấu lồi và dây chằng là thấy rõ ràng, có màu vàng nâu. Mặt trong của vỏ có màu trắng, sáng với sẹo cơ khép vỏ hình chữ D hoặc hình quả thận nằm gần ở giữa, có màu cũng thay đổi từ vàng nhạt, nâu đến đen.

Phân bố

Hàu cửa sông Crassostrea rivularis (Gould, 1861) thuộc ngành Thân mềm (Mollusca), lớp Hai mảnh vỏ (Bivalvia). C. rivularis lần đầu tiên được mô tả bởi Gould (1861) dựa vào một mẫu vật thu thập được ở phía Nam Trung Quốc và sau đó nó được sử dụng để mô tả hàu ở Nhật Bản và Trung Quốc. Các hàu cửa sông Việt Nam phân bố ở một số tỉnh thuộc miền Trung, Việt Nam (Quảng Ninh, Quảng Bình; Gio Linh, Quảng Trị; Phú Lộc, Thừa Thiên Huế; Thành phố Đà Nẵng; Duy Xuyên, Quảng Nam và Núi Thành, Quảng Nam).

Tập tính

Hầu Cửa Sông (Crassostrea rivularis) là loại hầu phân bố rất rộng rãi ở nước ta. Hầu hết các cửa sông có vật bám là thấy có hầu Cửa Sông, chúng thường hình thành những bãi hầu rất lớn có khi dài hàng chục cây số như ở sông Bạch Đằng, sông Chanh và các sông lân cận. Vì vậy hầu Cửa Sông là loại hầu chiếm sản lượng chủ yếu ở nước ta. Sản lượng hàng năm có thể tới hàng trăm tấn cả vỏ. Khai thác hầu Cửa Sông là nghề sống chủ yếu của nhân dân các bãi hầu.

Hầu Cửa Sông sống trong vùng nước lợ, tính thích ứng với độ muối rộng, có khi sống được ở trong nước có độ muối từ 1 – 30‰ nhưng thích hợp nhất là 10 – 23‰. Chúng có thể phân bố từ tuyến triều cao cho tới độ sâu 10m, nhưng nhiều nhất và thường lớn nhất ở phạm vi 5 – 7m. Hiện tượng quần tập rất phổ biến, chúng thường kín vật bám và nhiều khi bám chồng chất lên nhau từng cụm lớn tua tủa như lưỡi mai. Có khi thiếu vật bám chúng bám lên các vỏ hầu đã chết, trên một vỏ hầu dài 15cm có tới 30 con bám, trung bình lớn từ 5 – 20cm. 

Phương thức sống: ở giai đoạn ấu trùng, chúng sống phù du, ấu trùng hầu có khả năng bơi lội nhờ hoạt động của tiêm mao. Ở giai đoạn trưởng thành, hầu sống bám trên các giá thể (sống cố định) trong suốt đời sống của chúng.

Thức ăn và phương thức bắt mồi:

– Thức ăn của ấu trùng bao gồm vi khuẩn, sinh vật nhỏ, mùn bã hữu cơ, tảo sillic, trùng roi có kích thước dưới 10µm. Ấu trùng có thể sử dụng vật chất hoà tan trong nước và các hạt vật chất hữu cơ. Khi trưởng thành thức ăn của chúng chủ yếu là thực vật phù du và mùn bã hữu cơ. Các loài tảo thường gặp là tảo Silic như: Melosira, Coscinodiscus, Cyclotella, Skeletonema….

– Phương thức bắt mồi của hầu thụ động theo hình thức lọc. Cũng như các loài Bivavia khác, hầu bắt mồi trong quá trình hô hấp nhờ vào cấu tạo đặc biệt của mang. Khi hô hấp nước mang theo thức ăn đi qua bề mặt mang, các hạt thức ăn sẽ giữ lại ở mang nhờ các tiêm mao và dịch nhờn được tiết từ tiêm mao. Các hạt thức ăn có kích thước nhỏ sẽ được dịch nhờn của tiêm mao cuốn dần về phía miệng, còn các hạt thức ăn quá lớn tiêm mao không giữ được sẽ bị dòng nước cuốn đi khỏi bề mặt mang, sau đó được tập chung ở mép màng áo và bị màng áo đẩy ra ngoài. Mặc dù hầu bắt mồi thụ động nhưng với cách thức bắt mồi như vậy, chúng chỉ có thể chọn lọc theo kích thước thức ăn. Quá trình chọn lọc được thực hiện 4 lần theo phương thức trên: lần 1 xảy ra trên bề mặt mang, lần thứ 2 xẩy ra trên đường vận chuyển, lần 3 xẩy ra trên xúc biện, lần thứ 4 xẩy ra tại manh nang tiêu hoá. Tại dạ dầy, thức ăn được tiêu hoá một phần nhờ các men như: Amylase, Lactase, Glipase, Maltase, Protease. Các thức ăn không thích hợp được đẩy xuống ruột và ra ngoài qua hậu môn.

– Các nhân tố tác động tới hoạt động bắt mồi của hầu là thuỷ triều, lượng thức ăn, các yếu tố môi trường (nhiệt độ, độ muối…).

Sinh sản

Hầu Cửa Sông là loài động vật đã phân tính rõ rệt con đực và con cái riêng biệt, không có trường hợp trứng và tinh trùng cùng hình thành trên một cá thể. Tuy vậy trong quá trình phát dục có sự biến tính, tỷ lệ đực cái thay đổi theo mùa vụ khác nhau theo từng địa điểm. Trong tự nhiên, tỷ lệ hầu cái là 40 – 68% và hầu đực chiếm từ 21 – 61% (trong các tháng 4 đến tháng 10). Tỷ lệ này giảm thấp từ 0 – 16% (hầu cái) và 38 – 90% (hầu đực) trong các tháng từ 11 đến tháng 4 năm sau. Hầu con có thể tham gia lần đầu rất sớm sau 6 – 7 tháng tuổi kích thước đạt 40 – 50mm là đã phát hiện thấy có sản phẩm sinh dục và có khả năng tham gia sinh sản lần đầu. Khi hầu bố mẹ tham gia sinh sản, trứng và tinh trùng được phóng vào môi trường nước, quá trình thụ tinh và phát triển của ấu trùng diễn ra trong nước. Trong quá trình sinh sản việc phóng tinh trùng kích thích hầu cái đẻ trứng. Sức sinh sản của hầu là rất lớn. Đó là sự thích nghi với điều kiện sống. Hầu đẻ trứng, thụ tinh ngoài, ấu trùng trải qua biến thái vì vậy quần đàn hầu thường đẻ rất nhiều trứng. Sức sinh sản này phụ thuộc rất nhiều vào kích thước cá thể. Cá thể càng lớn sức sinh sản càng cao. Nhiệt độ cũng ảnh hưởng rất lớn tới sức sinh sản của hầu, nhiệt độ là yếu tố quan trọng và trực tiếp ảnh hưởng tới sức sinh sản. Nhiệt độ thích hợp cho sinh sản thường trong phạm vi 28 – 30oC. Tuổi không có ảnh hưởng tới sức sinh sản của nhóm hầu.

– Sau khi thụ tinh, trứng hình tròn đồng thời sinh ra một màng trong suốt, tế bào chất bắt đầu lưu động nhân tế bào tiêu biến. Một giờ sau thể cực thứ nhất và thể cực thứ 2 xuất hiện, sau đó trứng bắt đầu quá trình phân cắt, sau lần phân cắt thứ 6 thành 64 tế bào thì phôi bắt đầu bước vào các giai đoạn phát triển. Sau đó phôi tiếp tục phát triển thành ấu trùng bánh xe, ấu trùng có điểm mắt, ấu trùng chân bò và khi chuyển sang giai đoạn bám chúng hoàn toàn không còn khả năng bơi lội, hình dạng của chúng đã tương đối giống với hầu trưởng thành, chúng chỉ có khả năng bám một lần trong đời.

Hiện trạng

Việt Nam đã hoàn thiện được quy trình sinh sản nhân tạo giống hàu cửa sông (crassostrea rivularis). Hàu cửa sông đã được nuôi phổ biến ở tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

Trần Quốc Dung*, Nguyễn Thị Trường Vy, Trần Văn Giang, Nguyễn Văn Thuận: MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM HÌNH THÁI CỦA HÀU CỬA SÔNG Crassostrea rivularis (Gould, 1861) Ở MIỀN TRUNG VIỆT NAM.

Đặc điểm sinh học của hầu Cửa Sông Crassostrea rivularis, Nguồn: Luận án T.S Lê Thị Hồng Minh – ĐH Nông nghiệp Hà Nội. http://lpn.nhoc.one/dac-diem-sinh-hoc-hau-cua-song-crassostrea-rivularis/

Cập nhật ngày 20/05/2019
bởi NIMDA TH
Xem thêm