Tu hài

: Geo-Duck
: Lutraria philippinarum Deshayes, 1884
: Otter Clam
Phân loại
Lutraria philippinarumDeshayes, 1884
Ảnh Tu hài
Đặc điểm sinh học

Tu hài là loại động vật có giá trị kinh tế cao hơn các loài động vật hai mảnh vỏ khác và hơn nhiều loài cá phân bố ở Việt Nam. Thịt tu hài có hương vị thơm ngon, ngọt.Thịt tu hài khá giàu chất dinh dưỡng, trong thịt có chứa 11,63% đạm, 0,42% đường, 1,22% muối khoáng và đặc biệt là 18 loại axit amin, trong đó có một số là những axit amin không thay thế.

Phân bố

Vùng triều thích hợp cho Tu Hài phát triển từ trung triều đến hạ triều, cho tới độ sâu 10 m. Chất đáy thích hợp cho đời sống của chúng là cát pha xác san hô hoặc mảnh vụn nhỏ nhuyễn thể. Chế độ thuỷ triều ảnh hưởng rất lớn đến tập tính sống và bắt mồi của chúng. Tu Hài tự nhiên thường phân bố tại những vùng triều từ 0 hải đồ cho đến + 0,5m
Tu Hài là loài ưa sống ở vùng có độ mặn cao và nhiệt độ ấm, chúng thích nghi nhiệt độ từ 10-350 C và độ mặn từ 25-45 ‰. Tuy nhiên khoảng nhiệt độ và độ mặn thích hợp của chúng là từ 18- 300 C và 25- 30 ‰.

Trong điều kiện sống bình thường, Tu Hài dùng chân đào bới vùi mình trong cát khoảng 5 - 7 cm và vươn dài ống xi phone lên trên, vòi xi phone luôn hút đầy nước. Khi điều kiện môi trường trở lên bất lợi Tu Hài hút nước vào cơ thể và thải ra đẩy cơ thể trồi lên khỏi mặt cát và tiếp tục hút nước vào cơ thể rồi thải nước ra nhưng với lực mạnh tạo ra phản lực đẩy cơ thể về phía trước mỗi lần di chuyển như vậy đối với Tu Hài có kích cỡ trung bình 0,1 kg/ 1 con thì chúng có thể di chuyển trung bình khoảng 80 cm đến 1,2m cứ như vây chúng di chuyển đến nơi ở mới phù hợp với điều kiện sinh thái của chúng nếu không di chuyển được thì chúng có thể bị chết tại chỗ.

Tu Hài không ưa sống ở những nơi có dòng chảy mạnh. Chúng phân bố ở những nơi có dòng chảy từ 0,2 đến 0,5 m/s.

Tập tính

Cũng giống như loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ khác, Tu Hài cũng là loài ăn theo phương thức lọc, thức ăn chủ yếu là tảo khuê. Khi nước triều lên, Tu Hài thò vòi lên mặt cát để xi phông lọc thức ăn.
Thức ăn thay đổi theo giai đoạn phát triển và theo điều kiện môi trường. Thành phần thức ăn của nhuyễn thể chủ yếu là mùn bã hữu cơ, sinh vật phù du trong đó có thực vật phù du chiếm tỷ lệ cao hơn động vật phù du.

Sinh sản

Trong quá trình phát triển của Tu Hài cũng như các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ khác, hầu hết phải trải qua hai giai đoạn, giai đoạn ấu trùng và giai đoạn trưởng thành. Tập tính của chúng cũng thay đổi theo mỗi giai đoạn.
+ Giai đoạn ấu trùng: từ Morula- Umbo: ấu trùng bơi lội tự do, giai đoạn này là giai đoạn sống phù du, cuối giai đoạn ấu trùng umbo (đỉnh vỏ) và bắt đầu giai đoạn Spat (ấu trùng chân bò) chúng chuyển xuống sống đáy, chân chúng bắt đầu phát triển để đào bới làm nơi định cư.
+ Giai đoạn trưởng thành: dùng chân đào bới vùi mình sâu trong nền đáy, thò ống xi phông (xúc tu) lên trên. Thông thường ống xi phong vươn dài 5 - 7 cm và liên tục hút nước để lọc thức ăn, khi gặp điều kiện bất lợi hoặc bị va chạm bởi vật lạ chúng thu ống xi phong lại rất nhanh. Nếu sống trong điều kiện thuận lợi chỉ 7- 10 tháng tuổi Tu Hài bắt đầu thành thục và sinh sản.
Tu Hài là loài phân tính, đẻ trứng và thụ tinh ngoài, Tu Hài 1 tuổi có thể thành thục. Con cái có buồng trứng màu hồng, con đực có túi tinh màu trắng đục.

Mùa vụ sinh sản của Tu Hài chịu ảnh hưởng rất lớn bởi các điều kiện môi trường đặc biệt là nhiệt độ và độ mặn. Các điều kiện môi trường không chỉ có vai trò trong việc kích thích thành thục sinh dục, sinh sản, đẻ trứng mà còn đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của trứng, phôi và ấu trùng.

Hầu hết các tháng trong năm đều có Tu Hài thành thục nhưng tỷ lệ thành thục cao nhất tập trung vào thời gian từ tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau (Lê Xân và Đỗ Văn Minh, 2000).

Hiện trạng

Phương thức và kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo cũng như nuôi; đặc biệt là tổ chức thăm dò khảo sát trên biển còn nhiều vấn đề tồn tại, cần được tiếp tục nghiên cứu.
Mặt khác do nhu cầu thị trường ngày một tăng, kỹ thuật khai thác đang được hoàn thiện một cách nhanh chóng, nhịp điệu phát triển của nó diễn ra nhanh, mạnh đã làm môi trường và nguồn lợi ngày càng suy thoái; vấn đề bảo tồn và phát triển bền vững trở  nên bức xúc. Các ý tưởng nghiên cứu về động vật quý hiếm nói chung và nguồn lợi tu hài nói riêng liên tục được đề xuất và triển khai trong mấy năm gần đây.

Tài liệu tham khảo
  1. Phạm Thược, 2006. Điều tra hiện trạng và đề xuất một số giải pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi tu hài ở vùng biển Hải Phòng – Quảng Ninh. Viện Nghiên cứu Hải sản, Hải Phòng.
  2. http://thuysanvandon.com.vn
  3. www.wikipedia.org
Cập nhật ngày 24/04/2012
bởi Quang Hưng
Xem thêm