Người nuôi thua lỗ
Ông Võ Văn Bình, một trong những hộ đang nuôi cua tại vùng đìa nuôi trồng thủy sản ở thôn Tam Ích (xã Ninh Lộc) cho biết: “Năm trước, thấy các hộ trong thôn nuôi cua trúng, gia đình tôi cũng đầu tư gần 10 triệu đồng để nuôi 5.000 con, thu tỉa, bán được hơn 50 triệu đồng. Năm nay, gia đình tôi thả nuôi 8.000 con cua giống, nhưng tỷ lệ hao hụt đến gần 70%, giá bán lại thấp nên lãi chẳng bao nhiêu”.
Gia đình ông Nguyễn Văn Khánh ở TP. Nha Trang thuê đìa ở Tam Ích đã gần 10 năm nay. Trước đây, ông đầu tư nuôi tôm nhưng chỉ được vài vụ đầu có lãi, sau đó hầu như vụ nào ông cũng thua lỗ. “3 vụ nuôi gần đây nhất, gia đình tôi nuôi tôm kết hợp cua xanh. Do thời tiết, con giống kém chất lượng nên tỷ lệ hao hụt cả tôm lẫn cua đều cao, trong khi giá bán lại thấp nên vụ nào cũng thua lỗ 20 - 30 triệu đồng. Hiện nay, gia đình tôi đang đầu tư 7 triệu đồng để thả nuôi 10.000 con cua xanh theo kiểu nuôi tự nhiên. Cua cứ chết lai rai, cứ đà này số cua bán được không còn bao nhiêu, cầm chắc phần lỗ”, ông Khánh nói. Theo chia sẻ của ông Khánh và những người nuôi cua ở xã Ninh Lộc, do cua là đối tượng nuôi mới phát triển trong mấy năm gần đây nên người nuôi chưa có kinh nghiệm, nuôi theo phong trào, trong khi kỹ thuật nuôi, cách phòng trị dịch bệnh trên cua, cách xử lý ao nuôi... lại không nắm vững.
Theo ông Hồ Đức Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Lộc, trên địa bàn xã có 470ha ao, đìa nuôi trồng thủy sản. Những năm gần đây, do tôm bị dịch bệnh, giá cả bấp bênh nên người dân chuyển sang nuôi cua xanh. Việc đầu tư nuôi cua ở địa phương là tự phát, chủ yếu ở vùng nuôi Tam Ích. “Những năm đầu mới thả nuôi, cua xanh phát triển tốt, ít hao hụt, giá cả tương đối cao, chi phí đầu tư thấp nên người nuôi thu lợi nhuận cao. Năm nay, người nuôi cua rơi vào cảnh thua lỗ vì tỷ lệ hao hụt lên đến hơn 60%, giá bán lại thấp...”, ông Hùng nói.
Nhiều hộ nuôi trồng thủy sản ở Ninh Phú, Ninh Hà, Ninh Ích... cũng chuyển sang nuôi cua xanh. Tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng ước tính diện tích nuôi cua tại các địa phương này lên đến hàng trăm héc-ta. Tại xã Ninh Phú, cao điểm có đến 120ha nuôi cua. Theo ông Lê Văn Giỏi - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Phú, cua xanh chủ yếu được nuôi xen canh với tôm nhằm tạo cân bằng sinh thái, hạn chế ô nhiễm, giảm dịch bệnh, góp phần gia tăng hiệu quả nghề nuôi. Thực tế ở Ninh Phú, không ít hộ nuôi tôm, cua xen canh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử như hộ ông Dương Tấn Văn (thôn Tiên Du 1), mỗi vụ thả nuôi 10 vạn con tôm giống, 5.000 con cua giống. Sau 4 tháng nuôi, gia đình ông thu được 1,5 tấn tôm, cua được thu tỉa từ tháng thứ 3 trở đi, sau khi trừ chi phí lãi gần 200 triệu đồng/vụ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố nên nhiều hộ nuôi tôm, cua xen canh ở Ninh Phú vẫn chưa nhận được kết quả khả quan.
Nỗi lo giá cả không ổn định
Theo lý giải của các hộ nuôi cua ở thị xã Ninh Hòa, sở dĩ năm nay nuôi cua xanh khó hơn so với mọi năm là do thời tiết nắng nóng kéo dài, trong khi con cua lại ưa lạnh nên chậm lớn, sức đề kháng yếu, dễ chết. Một nguyên nhân khác khiến tỷ lệ cua chết cao là do cua giống được người dân mua trôi nổi, chất lượng không đảm bảo.
Tuy nhiên, vấn đề khiến nhiều người nuôi cua lo lắng là việc giá cua lên xuống thất thường, không ổn định nên nghề nuôi này khá bấp bênh. “Hiện nay, giá cua thịt loại lớn khoảng 110.000 đồng/kg (giảm 40.000 đồng so với năm trước), loại nhỏ khoảng 95.000 đồng/kg; giá cua gạch loại lớn cũng chỉ ở mức 160.000 đồng/kg, loại nhỏ khoảng 140.000 đồng/kg. Giá thấp nên người nuôi không dám giữ lại để nuôi vì không biết giá sẽ tiếp tục biến động thế nào”, ông Bình cho biết.
Để nghề nuôi cua phát triển bền vững, ông Hùng kiến nghị, các cơ quan chức năng cần tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cua thương phẩm, giới thiệu các mô hình nuôi cua xen canh hiệu quả để người dân tiếp cận. Bên cạnh đó, có kế hoạch đầu tư nâng cấp hạ tầng vùng nuôi, qua đó cải thiện môi trường ở các khu vực nuôi trồng thủy sản. Nông dân cũng cần được Nhà nước hỗ trợ thông tin đầu ra cua thương phẩm. Bên cạnh đó, chất lượng con giống cũng cần được kiểm định chặt chẽ để tránh thiệt hại cho người nuôi.
Theo ông Đặng Cửu - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, năm nay, một số vùng đìa bị ô nhiễm, dịch bệnh xuất hiện trên các đối tượng thủy sản nuôi, cộng với thời tiết nắng nóng kéo dài, thỉnh thoảng có mưa cục bộ gây sốc nhiệt nên ngành nuôi trồng thủy sản của địa phương bị thiệt hại khá nặng. Hiện nay, do thời tiết không ổn định nên người dân đã tạm ngưng việc thả nuôi thủy sản, chỉ tập trung chăm sóc và thu hoạch diện tích đã thả nuôi trước đó.