Bệnh bong vẩy trên cá chẽm ở Đông Nam Á

Scale drop desease (SDDV) in Lates calcarifer

Gần đây, tại các quốc gia Đông Nam Á, các nhà khoa học đã phát hiện một căn bệnh mới xuất hiện trên cá chẽm Lates calcarifer có tên gọi là bệnh bong vẩy (scale drop desease - SDD), gây ra bởi Megalocytivirus (SDDV).

Nguyên nhân

Megalocytivirus  - SDDV được phân loại là một thành viên mới của chi Megalocytillin trong họ Iridoviridae. Các hạt virus là các khối đa diện với 20 mặt, có đường kính khoảng 140nm. Bộ gen DNA sợi đôi gần như hoàn chỉnh của SDDV là 124 kb và mã hóa hơn 129 gen. Mặc dù SDDV đã được biết đến từ năm 2015, nhưng người ta đã suy đoán rằng nó có thể đã ảnh hưởng đến nuôi trồng cá vược ở châu Á từ năm 1992.

 

Cấu tạo của Megalocytivirus. Ảnh nguồn: viralzone.expasy.org

Triệu chứng
Triệu chứng

Giống như tên gọi của bệnh, những con cá bị nhiễm bệnh thường bị mất vẩy, vẩy dễ bị bong tróc khi chạm nhẹ, thối vây. Bề mặt bụng của một số con cá cũng cho thấy sự mất vảy, màu đỏ và xuất huyết da. Ngoài ra, khi tiến hành phân tích sự biến đổi của mô, kết quả cho thấy lá lách, và gan đều bị hoại tử, ống thận bị teo, da và cơ bị tổn thương nghiêm trọng.

Bệnh thường ảnh hưởng đến việc nuôi cá (đặc biệt là giai đoạn tiền trưởng thành và trưởng thành) trong cả hệ thống nuôi lồng và ao.

bệnh bỏng vẩy, bệnh bong vảy, bệnh trên cá chẽm, bệnh bong vảy do virus, bệnh cá

Biểu hiện lâm sàng của cá chẽm nhiễm Megalocytivirus. Ảnh nguồn: onlinelibrary.wiley.com

Quan sát mô học

Kiểm tra mô bệnh học của một số con cá bị bệnh lâm sàng cho thấy hoại tử ở lá lách (Hình 2a), đặc trưng bởi sự co lại (pyknosis) và vỡ ra (karyorrhexis) nghiêm trọng của nhân tế bào (Hình 2b). Tương tự, các tế bào bị phá vỡ với pyknosis và karyorrhexis của nhân tế bào cũng chiếm ưu thế trong mô liên kết của gan và cầu thận của thận (Hình 2c, d). Thận cũng cho thấy sự teo ống thận, tách tế bào biểu mô và thoái hóa. Trong các phần cơ, da bị tổn thương và nhiễm khuẩn nghiêm trọng có sự xuất hiện của tế bào miễn dịch lymphocyte (Hình 2e, f). Ngoài ra, người ta còn quan sát được ở một số vùng cơ bị ảnh hưởng có sự hiện diện của các “ổ” tế bào chất hoặc nhân bắt màu basophils (Hình 2f), cho thấy có thể bị nhiễm virus. Không có tế bào vi khuẩn được tìm thấy trong bất kỳ tổn thương nào.

bệnh bỏng vẩy, bệnh bong vảy, bệnh trên cá chẽm, bệnh bong vảy do virus, bệnh cá 

Ảnh chụp các phần nhuộm H & E của lá lách (a, b), gan (c), thận (d) và cơ (e, f) của cá chẽm Lates calcarifer bị bệnh bong vẩy tự nhiên.

Chẩn đoán

Bệnh do vi rút SDDV gây ra thường có những biểu hiện dễ nhầm lẫn với một số bệnh gây ra do vi khuẩn hoặc một số tác nhân khác. Thêm vào đó, về mặt chẩn đoán mô học, các nhà khoa học thấy rằng những thay đổi ở gan, lách và thận (ví dụ, hoại tử đa ổ, pyknosis và karyorrhexis) là không đủ để dễ dàng phân biệt nhiễm trùng SDDV bệnh lý với nhiễm trùng do vi khuẩn. Mặc dù các thể vùi tế bào chất có thể hỗ trợ chẩn đoán nhiễm virut, nhưng chúng hiếm khi được quan sát trong các mẫu SDDV, làm giảm độ tin cậy của kỹ thuật mô học.
Do đó, các nhà khoa học khuyến cáo rằng sử dụng kỹ thuật PCR trong việc chẩn đoán mầm bệnh là rất cần thiết. Một số cơ quan thường được sử dụng để chuẩn đoán là: gan, thận, lách, mắt.
 


Kết quả xét nghiệm PCR cho SDDV sử dụng các cơ quan khác nhau của 7 con cá bị bệnh lâm sàng (+, tích cực; ND, không xác định)


Phân bố

Cho đến nay, sự xuất hiện của SDDV đã được xác nhận tại Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan.

Phòng trị

Mức độ nguy hại của bệnh bong vẩy trên cá chẽm?

Trong nghiên cứu này, tỉ lệ tử vong trong các trường hợp được phát hiện và báo cáo là không quá cao, đồng thời bệnh thường bị chẩn đoán nhầm do dấu hiệu tổng thể của bệnh tương tự một số bệnh khác như Tenacibaculosis do T. maritimum, bệnh rớt vảy và hoại tử cơ (SDMND) nên mức độ gây hại của bệnh vẫn chưa được chứng minh cụ thể. Tuy nhiên, rất có thể việc nhiễm phải SDDV sẽ tạo cơ hội thuận lợi dẫn đến bùng phát nhiễm khuẩn cơ hội. Do đó, quản lý và kiểm soát bệnh là điều cần thiết để giảm thiểu rủi ro cho người nuôi.

Tóm lại, đây chỉ là một nghiên cứu ban đầu về bệnh SDDV, còn sơ sài và nhiều thiếu xót. Tin chắc rằng trong tương lai không xa với sự phát triển của khoa học và kỹ thuật, các nhà khoa học sẽ tìm được hướng đi mới trong việc phòng chống bệnh SDDV cũng như nhiều bệnh nguy hiểm khác trên các loài động vật thủy sản. 

Phòng bệnh

- Lựa chọn nguồn bố mẹ sạch bệnh

- Chọn cá giống khỏe mạnh, đồng đều

- Tránh làm sốc cá khi vận chuyển hoặc khi thả cá

- Quản lý tốt chất lượng nguồn nước, tránh cho thức ăn dư thừa

- Thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn sinh học trong trại nuôi.

Tài liệu tham khảo

https://onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1111/jfd.12915

bởi NGUYEN THAO (Lược dịch)