Bệnh xuất huyết trên cá bóp do vi khuẩn Streptococcus sp

Streptoccosis infection in Cobia (Rachycentron canadum)


Nguyên nhân

Vào năm 2008, Leaño và cộng sự. đã xác định nhóm vi khuẩn Streptococcus sp. là nguyên nhân chính gây ra bệnh xuất huyết trên cá bóp nuôi. Streptococcus sp. là loại cầu khuẩn, có đường kính 0,5 - 1 mm, thường dính với nhau thành hình chuỗi. Chúng là một phức hợp các bệnh tương tự nhau gây ra bởi những loài khác nhau làm tổn hại thần kinh trung ương thông qua biểu hiện viêm mắt và viêm màng não. Bệnh gặp ở tất cả các giai đoạn cá bóp, gọi là bệnh “red boil”.


Bệnh thường xảy ra khi nguồn giống thả nuôi chưa được kiểm tra chất lượng, hoặc nguồn nước kém chất lượng. Khi môi trường nuôi không thuận lợi, ở những tháng có nhiệt độ cao lên tới 35 – 40 độ C và cũng có thể xảy ra bất cứ tháng nào trong năm. Ngoài ra, cá được nuôi với mật độ cao cũng là nguyên nhân phổ biến gây bệnh.

Vi khuẩn theo đường tiêu hóa theo thức ăn, qua vết thương ngoài da vào cơ thể, thời gian ủ bệnh 2 - 3 ngày có khi 7 ngày tùy số lượng vi khuẩn xâm nhập, độc lực của vi khuẩn và sức đề kháng của cá.


Triệu chứng

Cá bóp khi mắc bệnh biểu hiện ăn ít, vận động yếu ớt, bơi trên tầng mặt, thân cá sẫm màu, mắt cá lồi; xuất huyết ở mắt, gốc vây ngực, gốc vây đuôi, hậu môn và một số nơi trên cơ thể, có những nốt đỏ ở vùng da, xuất huyết đối xứng 2 bên vây lưng, tuột vảy. Cá bị bệnh còn có thể bị mù mắt và chán ăn (Liao và cs, 2004).


Cá bị bệnh xuất huyết bơi lờ đờ, xuất huyết ở vây ngực, vây đuôi, ít ăn và có thể chết khi bệnh nặng. Bên trong nội tạng cá thì xoang bụng chướng có dịch đặc, túi mật sưng sẫm, lá lách sưng xuất huyết, gan tái, thận sưng viêm.. 

Phân bố

Xuất huyết là một trong những bệnh thường gặp ở các vùng nuôi cá bóp thương phẩm, với tỷ lệ xuất hiện bệnh khoảng 64%. Bệnh xuất huyết sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi nếu không được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời, với nguy cơ cá mắc bệnh có chết lên đến 70%.

Bệnh trên cá bóp tập trung chủ yếu vào các tháng giao mùa (tháng 4 - 5) và ở giai đoạn đầu khi mới bắt đầu thả nuôi (tháng 7 - 9). Thời gian này cũng là khoảng thời gian bệnh xuất huyết có thể bùng phát.

Phòng trị

Hiện tại vẫn chưa có phương pháp cụ thể để điều trị bệnh xuất hiện trên cá bớp. Tuy vậy, thông tin dưới đây nhằm giúp người nuôi xử lý tốt nhất để giảm thiệt hại.

Người nuôi cần loại bỏ cá bệnh sau khi phát hiện để tránh lây lan. Có thể sử dụng kháng sinh hoặc các hoá dược theo khuyến cáo của chuyên gia (hoặc bác sĩ thú y) để khử khuẩn vùng nuôi. Có thể sử dụng acid oxolinic để cho cá ăn hoặc tắm cá bằng perfuran.

Phòng bệnh

Công tác phòng bệnh và quản lý là điều kiện tiên quyết để đem lại thành công trong nuôi thương phẩm cá bớp. Do đó người nuôi cần đặc quan tâm đến công tác này:

Nguồn con giống phải được chọn mua kỹ lưỡng, đồng kích cỡ, sạch bệnh, tại các cơ sở phân phối uy tín. Nuôi với mật độ tối ưu là từ  4 đến 6 con/ m3.

Quản lý tốt chất lượng nguồn nước và các yếu tố hoá lý trong ao nuôi như: hàm lượng Oxy hoà tan, nhiệt độ, tích tụ chất hữu cơ, độ mặn, pH, ...

Loại bỏ cá yếu, cá nhiễm bệnh ra khỏi ao, lồng khi có dịch bệnh xảy ra.

Trong quá trình nuôi cần theo dõi tình trạng sức khỏe và bệnh tật của cá để kịp thời xử lý. Cần định kỳ vệ sinh và thay lưới lồng 2-3 tháng/lần để đảm bảo thông thoáng cho lồng nuôi. Cần định kỳ kiểm tra các bộ phận lồng nuôi (phao, khung,dây neo, lưới…) và khi cần thì kịp thời bảo dưỡng hoặc thay thế để giảm thiểu rủi ro do hư hỏng lồng. 

Tiến hành tẩy trùng và vệ sinh trại cá; các dụng cụ nuôi lưới, vợt, vèo, thau, bể... phải được khử trùng sạch sẽ ngâm trong dung dịch formalin 1% hoặc trong 100 mg chlorine/1 lít trong 30 phút đến 1 giờ;

Hàng tháng đo mẫu để xác định tăng trưởng của cá (chiều dài và khối lượng cá), qua đó xác định được khối lượng đàn cá trong lồng để điều chỉnh lượng thức ăn cho hợp lý. Cho ăn thức ăn đầy đủ dưỡng chất, tươi sạch và không cho ăn thức ăn ôi thiu, không bị nấm mốc.

Có thể nuôi ghép với một số loài cá khác như: rô phi, diếc biển để các loại cá này làm công việc vệ sinh ao lồng vì chúng ăn thức ăn dư thừa ở tầng đáy và rong rêu, đặc biệt rô phi đẻ nhiều, cá rô phi con sẽ trở thành thức ăn cho cá chẽm nuôi.

Tài liệu tham khảo

1. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Biển; Tập 17, Số 1; 2017: 72-78 DOI: 10.15625/1859-3097/17/1/8004

2. http://thuysanvietnam.com.vn/benh-do-vi-khuan-streptococcus-tren-ca-bien-article-19704.tsvn


bởi Mạnh Kha