Bệnh mù mắt do liên cầu khuẩn gây ra trên cá bớp nuôi ở Khánh Hòa

Blindness caused by Streptococcus in Cobia culture

Cá bớp (Rachycentron canadum) là loài có gía trị kinh tế cao, tốc độ tăng trưởng nhanh, chất lượng thịt cao. Cá có khả năng thành thục và sinh sản trong các lồng nuôi, đồng thời lại có thể thích nghi với các loại thức ăn công nghiệp. Do đó chúng được xem là một đối tượng phù hợp cho nuôi trồng thủy sản. Với khả năng chống chịu sóng gió khá tốt, cá bớp được xem là đối tượng có tiềm năng lớn cho việc phát triển nghề nuôi lồng xa bờ và những vùng biển mở.

Ở Khánh Hòa, nghề nuôi cá bớp bắt đầu phát triển vào nửa cuối những năm 2000 từ những thành công ban đầu trong việc nuôi cá bớp trong lồng của Công ty Marine Farm. Khoảng ba năm trở lại đây, những thành công công việc cho sinh sản nhân tạo cá bớp đã thúc đẩy nghề nuôi cá bớp phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự bùng phát của dịch bệnh đã và đang gây những thiệt hại nghiêm trọng cho nghề nuôi cá bớp thương phẩm trong đó lở loét và mù mắt là hai triệu chứng thường được ghi nhận ở cá bệnh.


Nguyên nhân

Vi khuẩn S. iniae là tác nhân gây ra bệnh mù mắt ở cá bớp nuôi tại Khánh Hòa. Dựa vào đặc điểm hình thái và sinh hóa, tất cả các chủng phân lập đều được xác định là S. iniae. Kết quả giải trình tự gen 16SrDNA của 4 chủng phân lập cũng cho thấy sự tương đồng đến 100% với trình tự của các chủng S. iniae có sẵn trên Genbank (độ dài đoạn gen được so là 493 – 500bp.). 

Kết quả phân lập vi khuẩn cho thấy thận của tất cả mẫu cá đều nhiễm cầu khuẩn gram dương, có khả năng dung huyết, đường kính khuẩn lạc nhỏ hơn 1mm sau 24h nuôi cấy trên môi trường TSA. Vi khuẩn có xu hướng tạo thành chuỗi dài khi nuôi cấy trong môi trường lỏng (Hình 4).


Hình 4. Mẫu phết nhuộm Gram từ não (A) và thận (B) cá bị mù mắt. (Độ phóng đại 400 lần).

Độc lực của các chủng vi khuẩn phân lập được khá cao với liều vi khuẩn gây chết 50% quần đàn cá bớp là 103,6 - 104,6CFU/cá khi cảm nhiễm vào xoang bụng.

Triệu chứng

Dấu hiệu đi kèm khi cá bị bệnh mù mắt như: cá chuyển màu sậm trước khi chuyển sang màu xám và sọc trắng chạy dọc thân cá mờ dần. Đây là dấu hiệu cơ bản để nhận biết cá bị mù mắt mà không cần quan sát mắt của cá. Các dấu hiệu mòn vây, xuất huyết ngoài da, gan hoặc sưng thận cũng được tìm thấy ở cá thí nghiệm.


Hình 1. Một số dấu hiệu bệnh lý bên ngoài cá bớp bị nhiễm S. iniae (A: thân sẫm màu, xuất huyết đuôi; B: mắt lồi và xuất huyết; C: mắt bị đục).

Kí sinh trùng kí sinh ở cá đôi lúc cũng được tìm thấy ở những mẫu bệnh phẩm. Một số kí sinh xuất hiện ở cá bệnh là trùng bánh xe, trùng loa kèn, trùng quả dưa, sán lá đơn chủ, sán lá song chủ và giun tròn.

Giải phẫu nội quan bên trong cơ thể thấy gan có màu nhợt nhạt, xuất huyết, thận sau sưng to, ngoài ra một số mẫu có dấu hiệu khác như tích dịch xoang bụng, lách sẫm màu hay sưng (Hình 2)


Hình 2. Dấu hiệu bệnh lý bên trong cá bớp nhiễm S. iniae (A: gan xuất huyết; B: gan sưng, tích dịch xoang bụng; C: lách sẫm màu; D: hậu thận sưng).

Hình 3. Mẫu phết nhuộm Gram từ não (A) và thận (B) cá bị mù mắt. (Độ phóng đại 400 lần).

Phân bố

Lồng nuôi cá bớp tại Hòn Ngang, Kiên Giang và cá bớp nuôi tại Cam Ranh và Vạn Ninh tỉnh Khánh Hòa.

Phòng trị

Chưa có biện pháp trị bệnh cụ thể do đó thực hiện biện pháp phòng bệnh tổng hợp như:

Trong quá trình nuôi cần theo dõi tình trạng sức khoẻ và bệnh tật của cá để kịp thời xử lý. Cần định kỳ vệ sinh và thay lưới lồng 2-3 tháng/lần để đảm bảo thông thoáng cho lồng nuôi. Cần định kỳ kiểm tra neo, lưới ...) và khi cần thì kịp thời bảo dưỡng hoặc thay thế để giảm thiểu rủi ro do hư hỏng lồng. Hàng tháng đo mẫu để xác định tăng trưởng của cá (chiều dài và khối lượng cá), qua đó xác định được khối lượng đàn cá trong lồng để điều chỉnh lượng thức ăn cho hợp lý.

Tài liệu tham khảo

Nghiên cứu của: Trần Vĩ Hích, Nguyễn Thi Tường Hạnh, Nguyễn Thị Kim Cúc 2018; BỆNH MÙ MẮT DO LIÊN CẦU KHUẨN GÂY RA Ở CÁ BỚP NUÔI TẠI KHÁNH HÒA.



bởi TH