Luận văn Thạc sĩ: Nghiên cứu ảnh hưởng của malachite green và nhiệt độ lên một số chỉ tiêu sinh lý và men Cholinesterase trên cá tra (Pangasianodon hypophthalmus)
Trần Thị Bích Như, 2010
Nghiên cứu về ảnh hưởng kết hợp của nhiệt độ và MG thông qua xác định khả năng chịu nhiệt của cá tra và sự thay đổi của các chỉ tiêu huyết huyết học và men ChE trong điều kiện nhiệt độ khác nhau. Từ đó tiến hành thí nghiệm tìm hiểu sự ảnh hưởng kết hợp của nhiệt độ và MG lên sự thay đổi một số chỉ tiêu huyết học và men ChE của cá tra (P.hypophthalmus).
Thí nghiệm xác định ngưỡng chịu đựng nhiệt độ và sự thay đổi của các chỉ tiêu sinh lý và hoạt tính của men ChE trong quá trình tăng và giảm nhiệt. Kết quả cho thấy trong điều kiện bình thường thì hoạt tính men ChE trong não cao hơn trong huyết tương và ChE chịu ảnh hưởng bởi nhiệt độ theo xu hướng nhiệt độ tăng hoạt tính tăng và nhiệt độ càng giảm khả năng ức chế hoạt tính ChE càng mạnh. Các chỉ tiêu huyết học trong điều kiện bình thường thì có xu hướng thấp hơn so với điều kiện nhiệt độ cao nhưng một số chỉ tiêu (hemoglobin, MCV, MCH, MCHC) lại cao hơn so với điều kiện giảm nhiệt. Đồng thời cũng xác định ngưỡng nhiệt độ trên của cá tra là 42 o C và ngưỡng dưới là 12 oC. Trong nghiên cứu này khoảng nhiệt độ (22 0C, 28 0C và 34 0 C) được chọn là khoảng nhiệt độ thích hợp và nhiệt độ bước đầu có sự ảnh hưởng đến các chỉ tiêu huyết học và hoạt tính của enzyme ChE trong não và máu của cá tra.
Thí nghiệm ảnh hưởng kết hợp của nhiệt độ (22 0C, 28 0C và 34 0C) và MG (0,15ppm và 02ppm) lên một số chỉ tiêu huyết học và hoạt tính của enzyme ChE lên cá tra có trọng lượng từ 15-20gam. Thí nghiệm được bố trí theo kiểu khối hoàn toàn ngẫu với 6 nghiệm thức và 3 lần lặp lại. Mật độ cá thí nghiệm 30 con/bể, thể tích nước là 200 lít, có bố trí sục khí trong suốt thời gian thí nghiệm.Thời gian thí nghiệm kéo dài trong 14 ngày với 5 lần thu mẫu và mỗi lần thu 4 con/bể. Kết quả thí nghiệm cho thấy sự biến đổi của các chỉ tiêu huyết học trong điều kiện tiếp xúc với MG ở các khoảng nhiệt độ 22 oC, 28 oC và 34 o C biến động theo nhiều xu hướng khác nhau. Số lượng hồng cầu, tỉ lệ huyết sắc tố, MCH, MCV giảm khi tiếp xúc với MG ở các khoảng nhiệt độ khác nhau nhưng số lượng bạch cầu và hemoglobin giảm sau 6 giờ và 72 giờ tiếp xúc và lại tăng vào các khoảng thời gian gần kết thúc thí nghiệm. Nhiệt độ làm ảnh hưởng đến độc tính của MG, khi nhiệt độ tăng kết hợp với nồng độ MG cao thì khả năng ức chế ChE trong não càng mạnh. Riêng về hoạt tính của ChE trong máu có những biểu hiện theo nhiều xu hướng khác nhau theo nhiệt độ và nồng độ của MG và khả năng ức chế ChE trong máu cần có thời gian tiếp xúc dài hơn so với não.
"Tài liệu điện tử trên trang tepbac được chia sẻ để sử dụng cho mục đích học tập và nghiên cứu cá nhân. Nghiêm cấm mọi hình thức sao chép, in ấn phục vụ các mục đích khác nếu không được sự chấp nhận của tác giả và nhà xuất bản."