Luận văn tiến sĩ: Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học, sinh hóa và kỹ thuật nuôi Nghêu Meretrix lyrata đạt năng suất cao

Tác giả:

PGS.TS. Trương Quốc Phú

Ngày đăng: 07-04-2012
Đóng góp bởi: daotrunghieu87, ltxuyen2010 edit
Luận văn tiến sĩ: Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học, sinh hóa và kỹ thuật nuôi Nghêu <i>Meretrix lyrata</i> đạt năng suất cao
Tải về | Báo vi phạm | Báo hỏng
Link: Vui lòng đăng nhập để thấy đường dẫn tải tài liệu.
pdf 2.33MB | 4187 | 269 | hieuqt

Trong sản lượng khai thác thủy sản hàng năm trên thế giới thì động vật Thân Mềm (Mollusca) đóng vai trò khá quan trọng. Theo ước tính tổng sản lượng thủy sản toàn thế giới năm 1987, thì động vật Thân Mềm đứng thứ hai với sản lượng hơn 7,5 triệu tấn trong đó 7,25 triệu tấn thu được từ biển, phần còn lại rất nhỏ 0,27 triệu tấn thu từ các thủy vực nước ngọt. Nhóm Hai Mảnh Vỏ (Bivalvia) chiếm đa số với 65,4% tổng sản lượng Mollusca thu được, bao gồm các loài Trai (Clam), Sò với 2,1 triệu tấn dẫn đầu trong trong nhóm Hai Mảnh Vỏ, Hầu (Oyster) 1 triệu tấn, Vẹm (Mussel) 0,9 triệu tấn (FAO, 1989). Cũng theo số liệu của FAO (1996) tổng sản lượng thu được từ nuôi trồng thủy sản của thế giới đạt 25,46 triệu tấn với tổng giá trị 39,83 tỉ USD, trong đó sản lượng nuôi trồng các loài thuộc Mollusca đứng thứ hai đạt 17,2% của tổng sản lượng và đạt 12,2% tổng giá trị của toàn thế giới (Hayashi, 1996).

Ở vùng ven biển Nam bộ nguồn lợi Mollusca cũng rất lớn. Sản lượng khai thác hàng năm đạt khoảng 80-100 ngàn tấn đã góp phần đáng kể trong việc cung cấp thực phẩm cho nhân dân (Võ Sĩ Tuấn và Nguyễn Hữu Phụng, 1998), là nguồn thu nhập chính cho một số ngư dân vùng ven biển. Một trong những đối tượng khai thác quan trọng nhất là Nghêu (chiếm khoảng 60%).

Nghêu có tên khoa học là Meretrix lyrata (Sowerby, 1851). Chúng phân bố rải rác ở vùng biển Nam Bộ, thường ở gần các cửa sông nơi có nền đáy cát bùn, vùng phân bố tập trung của Nghêu là ở ven biển thuộc hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.

Nghêu là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, chứa khoảng 56% protein tính theo trọng lượng khô (Trương Quốc Phú, 1998), thơm ngon được nhiều người ưa thích. Nghêu sinh trưởng nhanh, sức sinh sản lớn, sản lượng khai thác hàng năm tương đối cao. Trước đây nghêu chủ yếu được tiêu thụ trong nội địa, nhưng gần đây đã được chế biến đông lạnh xuất khẩu, vì thế chúng trở thành đối tượng kinh tế quan trọng của ngư dân vùng ven biển Nam bộ, làm cho nghề nuôi Nghêu phát triển mạnh trong những năm gần đây.

Nuôi Nghêu là một nghề mới, trình độ kỹ thuật còn rất thấp mang tính chất quảng canh là chủ yếu. Các nghiên cứu khoa học về đối tượng này còn quá ít ỏi hầu như chưa đáp ứng được tình hình phát triển của nghề nuôi. Hơn thế nữa, do quản lý nguồn lợi ở các địa phương chưa được chặt chẽ, con người đã khai thác nguồn lợi này quá mức làm cho sản lượng khai thác giảm, nguồn giống khan hiếm dần. Trước tình hình đó chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài:

“Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học, sinh hóa và kỹ thuật nuôi nghêu Meretrix lyrata (Sowerby) đạt năng suất cao”

Mục đích nghiên cứu của đề tài là xác định một số đặc điểm sinh học của Nghêu, khảo sát các khía cạnh kỹ thuật của mô hình nuôi đang được ngư dân áp dụng ở vùng ven biển Nam Bộ đồng thời đánh giá những ưu khuyết điểm của mô hình. Dựa trên cơ sở của những nghiên cứu về sinh học và kết quả điều tra, đề xuất các giải pháp nuôi Nghêu năng suất cao.

Nội dung chính của luận án bao gồm những nghiên cứu về các lãnh vực như
sau:
• Hình thái cấu tạo.
• Phổ dinh dưỡng và thức ăn chính.
• Sinh trưởng.
• Sinh sản, mùa vụ sinh sản và sự xuất hiện nghêu giống trên các bãi tự nhiên.
• Một số chỉ tiêu sinh lý.
• Những biến đổi thành phần sinh hóa trong cơ thể Nghêu qua các tháng trong năm.
• Tìm hiểu các khía cạnh kỹ thuật của nghề nuôi Nghêu của ngư dân ở vùng ven biển Tiền Giang, Bến Tre.

Với những nội dung nghiên cứu trên, luận án đã trình bày được các đặc điểm sinh học của Nghêu. Kết quả nghiên cứu này sẽ là cơ sở khoa học ứng dụng vào thực tiễn sản xuất.

Luận án cũng đã trình bày các khía cạnh kỹ thuật của nghề nuôi Nghêu vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, những ưu điểm cũng như những trở ngại và đề xuất hướng khắc phục những nhược điểm, cải tiến kỹ thuật nuôi Nghêu.

Chúng tôi hy vọng rằng kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ là cơ sở khoa học giúp cho việc quản lý nguồn tài nguyên, cải tiến kỹ thuật và phát triển nghề nuôi Nghêu, nâng cao chất lượng sản phẩm thu hoạch, góp phần làm ổn định và tăng năng suất nuôi Nghêu ở vùng ven biển Nam Bộ.

"Tài liệu điện tử trên trang tepbac được chia sẻ để sử dụng cho mục đích học tập và nghiên cứu cá nhân. Nghiêm cấm mọi hình thức sao chép, in ấn phục vụ các mục đích khác nếu không được sự chấp nhận của tác giả và nhà xuất bản."

Có thể bạn quan tâm