Phát triển nuôi tôm bền vững, Hiện trạng, cơ hội và thách thức đối với Việt Nam
Cục Khai Thác và Bảo Vệ Nguồn Lợi Thủy Sản
Các kết quả nghiên cứu thực trạng các vấn đề liên quan đến nuôi tôm ở Việt Nam cho thấy rằng, hiện nay ngành tôm đang có bước phát triển nhanh chóng, đạt được nhiều thành tựu kinh tế, xã hội quan trọng, nhưng chưa quan tâm đầy đủ đến phát triển bền vững. Hình thức tổ chức nuôi tôm ở Việt Nam vẫn chủ yếu là kinh tế hộ gia đình, có tính chất manh mún, nhỏ lẻ, chưa hình thành mạng lưới tổ chức chặt chẽ để nâng cao hiệu quả sản xuất, quản lý tốt chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu qủa cạnh tranh và duy trì thị trường bền vững.
Việc quản lý nuôi tôm bền vững cần phải kết hợp cả 2 cơ chế, quản lý nhà nước và quản lý cộng đồng.
Nuôi tôm ở Việt Nam đã phát triển mạnh trong những năm gần đây và trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hàng triệu người dân ven biển và tạo nguồn thu ngoại tệ đáng kể cho đất nước thông qua xuất khẩu. Diện tích nuôi tôm đã tăng từ 250.000 ha năm 2000 lên đến 478.000 ha năm 2001 và 540.000 ha năm 2003. Năm 2002, giá trị xuất khẩu thuỷ sản đạt hơn 2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tôm đông lạnh chiếm 47%, đứng thứ 2 sau xuất khẩu dầu khí. Năm 2004, xuất khẩu thuỷ sản đạt giá trị 2,4 tỷ USD, chiếm 8,9% tổng giá trị xuất khẩu cả nước trong đó tôm đông lạnh chiếm 53% tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản.
Tuy vậy, nghề nuôi tôm ở Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, ảnh hưởng đến tính bền vững của ngành. Đó là các tác động kinh tế, xã hội, môi trường của ngành nuôi tôm và gần đây là các vấn đề về rào cản chất lượng sản phẩm và tranh chấp thương mại giữa các nước xuất khẩu và nhập khẩu. Việc chuyển đổi quá nhanh một diện tích lớn ruộng lúa, ruộng muối năng suất thấp và đất hoang hoá ven biển sang nuôi tôm kéo theo một loạt các vấn đề bất cập về cung ứng vốn đầu tư, giống, kỹ thuật công nghệ, quản lý môi trường, kiểm soát dịch bệnh, quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng. Nuôi tôm vẫn mang tính tự phát thiếu quy hoạch, chạy theo lợi ích trước mắt. Ngoài một số doanh nghiệp đã tham gia vào ngành nuôi tôm, góp phần đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hoá - hiện đại hoá, đem lại những chuyển biến rất đáng kể ở vùng nông thôn ven biển, nuôi tôm ở Việt Nam chủ yếu vẫn do các nông hộ thực hiện ở quy mô sản xuất nhỏ. Chuỗi thị trường từ khâu sản xuất đến khâu chế biến và tiêu thụ chưa được thiết lập chặt chẽ, làm cho nghề nuôi tôm mang tính nhỏ lẻ và manh mún, kém hiệu quả, rủi ro cao, chất lượng không ổn định dẫn đến giảm khả năng cạnh tranh với các nước khác trong khu vực.
Hiện tại, tôm sú vẫn là đối tượng chủ lực, thu hút sự chú ý của người dân và chính quyền các cấp trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ven biển. Để định hướng phát triển nghề nuôi tôm bền vững, điều cần thiết là phải nhận thức một cách sâu sắc và có tính hệ thống về hiện trạng phát triển của ngành và các vấn đề phức tạp đang đặt ra. Dựa trên các nghiên cứu của Dự án PORESSFA –“Nghiên cứu Chính sách Phát triển Nuôi tôm bền vững ở châu Á”, Dự án VIE/97/030 –“Quản lý Môi trường Nuôi trồng thuỷ sản ven biển”, báo cáo này phân tích hiện trạng nuôi tôm ở Việt Nam, tổng hợp các tác động về kinh tế, xã hội và môi trường của ngành nuôi tôm, thảo luận và đề xuất các khuyến nghị chính sách phát triển nuôi tôm bền vững.
"Tài liệu điện tử trên trang tepbac được chia sẻ để sử dụng cho mục đích học tập và nghiên cứu cá nhân. Nghiêm cấm mọi hình thức sao chép, in ấn phục vụ các mục đích khác nếu không được sự chấp nhận của tác giả và nhà xuất bản."