Đánh giá hiệu quả kinh tế của việc sử dụng thức ăn với các hàm lượng protein khác nhau trên cá rô phi đỏ (Oreochromis spp.)
Nguyễn Như Trí và Nguyễn Hồng Lây, 2011
Nghiên cứu được thực hiện tại Trại Thực Nghiệm Thủy Sản, Khoa Thủy Sản, Trường Đại Học Nông Lâm TP.HCM nhằm xác định hàm lượng protein thích hợp trong thức ăn với từng kích cỡ cá khác nhau. Thí nghiệm gồm có 3 nghiệm thức, mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần trong 3 giai (1x1x1,3 m), mỗi giai thả 30 cá rô phi đỏ (Oreochromis spp.) có trọng lượng trung bình ban đầu là 72 g. Ảnh hưởng của hàm lượng protein trong thức ăn đến sự tăng trưởng, tỷ lệ sống, hệ số chuyển đổi thức ăn, hiệu quả sử dụng protein được nghiên cứu trên 3 giai đoạn phát triển của cá (72 – 100 g, 100 – 400g, 400 g – 500 g), tương ứng với hàm lượng protein trong thức ăn lần lượt ở nghiệm thức 1 (NT1) là 35%, 30%, 30%; nghiệm thức 2
(NT2) là 35%, 30%, 28%; nghiệm thức 3 (NT3) là 30%, 28%, 25%. Kết quả thí nghiệm cho thấy tỷ lệ sống và tỷ lệ phân đàn khác biệt không có ý nghĩa về mặt thống kê (P>0,05) giữa các nghiệm thức. Các chỉ tiêu tăng trưởng như trọng lượng trung bình, tốc độ tăng trưởng đặc biệt (SGR), tăng trọng (WG) của cá ở NT2 là cao nhất (TLTB: 455,7 g; SGR: 1,64 %/ngày; WG: 526,7%). Chi phí thức ăn để cá tăng trọng 1 kg ở NT2 là thấp nhất (22.430 đồng), kế đến là NT1 (23.037 đồng) và cao nhất là NT3 (26.451 đồng). Khẩu phần ăn của NT2 (72 – 100 g: 35%, 100 – 400 g: 30%, 400 – 500 g: 28%) được đề nghị trong nuôi cá rô phi đỏ thương phẩm nhằm mang lại hiệu quả kinh tế tốt nhất.
Cùng với sự phát triển chung của ngành thủy sản, trong hơn một thập niên qua diện tích nuôi trồng thủy sản không ngừng được mở rộng ở cả ba loại hình mặt nước: nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Nhiều đối tượng thủy sản có giá trị được đưa vào hệ thống nuôi trồng đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Cá rô phi đỏ hay còn gọi là cá điêu hồng là đối tượng nuôi phổ biến tại Việt Nam và hơn 100 nước khác trên thế giới. Tại Việt nam cá rô phi đỏ được nuôi chủ yếu ở Nam Bộ, tập trung nhiều nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nơi có những điều kiện thổ nhưỡng, thủy lưu thích hợp nhất cho loài cá này. Theo Chi cục Thủy sản Tiền Giang, toàn tỉnh hiện có 1.476 bè trên sông Tiền với tổng dung tích bè là 149.892 m3, trong đó trên 90% là nuôi cá rô phi đỏ. Nghề nuôi cá rô phi đỏ bè phát triển đã mang lại lợi nhuận khá cao cho nhiều hộ nông dân, đặc biệt khi giá cá trong một thời gian dài được giữ ổn định ở mức 35.000 đồng/kg (Sở NN và PTNT Tiền Giang, 2011). Tuy nhiên hoạt động nuôi hiện nay vẫn ẩn chứa rất nhiều rủi ro khi giá thức ăn trên thị trường không ngừng tăng cao. Chỉ tính riêng những tháng đầu năm 2011, giá thức ăn đã tăng 5 lần với mức tổng cộng hơn 1.500 đồng/kg.
"Tài liệu điện tử trên trang tepbac được chia sẻ để sử dụng cho mục đích học tập và nghiên cứu cá nhân. Nghiêm cấm mọi hình thức sao chép, in ấn phục vụ các mục đích khác nếu không được sự chấp nhận của tác giả và nhà xuất bản."