Tôm mũ ni trắng

: Sand lobster
: Thenus orientalis Lund, 1793
: Tôm vỗ dẹp trắng, tôm vỗ, tôm vỗ biển nông
Phân loại
Thenus orientalisLund, 1793
Ảnh Tôm mũ ni trắng
Đặc điểm

Tôm mũ ni trắng có vỏ đầu ngực dẹp, hình thang ngược. Chiều dài toàn thân tối đa là 25 cm, chiều dài mai tối đa 8cm. Hốc mắt ở ngay gốc bên trước. Cạnh bên không có răng, phía trước chỉ có một khía cổ rộng với 2 răng trước và sau. Mặt trên có nốt tròn phủ đều với 2 vết vòng cung trái, phải, có gờ dọc chính giữa lưng kéo dài tới các đốt phần bụng. Các đốt bụng thót nhỏ về phía sau, có gờ chính giữa lưng và rãnh ngang. Chân thứ V của con cái không có kẹp. Kích thước và khối lượng của chúng khá lớn, có thể lên đến 560 gam, nhưng thường khoảng 120 gam. Cơ thể có màu nâu sậm hoặc màu gạch sáng. 

Phân bố

Tôm mũ ni phân bố rộng từ khu vực Biển đỏ, Tây Ấn Độ đến Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc (FAO, 1991). Theo Holthuis (1991) hầu hết các loài tôm mũ ni phân bố ở vùng nước cạn nơi có rạn san hô phát triển. Vào ban ngày, chúng thường vùi mình vào đáy cát hoặt treo mình lên các vách đá, ẩn trong hang hốc và vào ban đêm chúng rời hang đi kiếm mồi. Theo Nguyễn Hữu Phụng và cs (2001), tôm sống ở độ sâu 8 – 70 m có thể tới 100 m, thường ở 10 – 15m, nền đáy mềm cát bùn lẫn vỏ trai sò. Trong điều kiện tự nhiên thức ăn ưa thích nhất của tôm Mũ ni là các loại nhuyễn thể hai vỏ (Johnston & Yellowlees, 1998) ngoài ra chúng cũng sử dụng một số loài cua và cá. Nghiên cứu về thành phần Enzyme trong hệ thống tiêu hóa của loài tôm Mũ ni trắng đã khẳng định thêm tính ăn thịt của loài tôm này thông qua sự có mặt của enzyme tiêu hóa protein (Danielle và cs. 1995). Đây là các enzyme có hàm lượng lớn trong cơ khép vỏ của nhuyễn thể.


Tại Việt Nam, tôm phân bố từ vùng khơi biển Quảng Ninh tới Kiên Giang. Vùng có mật độ tương đối cao là vùng biển Cù Lao Thu (Bình Thuận) và vùng biển Cà Mau tới đảo Phú Quốc (Kiên Giang). (Sách đỏ Việt Nam, 2008).

Tập tính

Vào ban ngày, chúng thường vùi mình vào đáy cát hoặt treo mình lên các vách đá, ẩn trong hang hốc và vào ban đêm chúng rời hang đi kiếm mồi. Thức ăn ưa thích nhất của tôm Mũ ni là các loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ, ngoài ra chúng cũng ăn một số loài cua và cá. Trong điều kiện nhân tạo, tôm mũ ni trắng thích nghi tốt ở môi trường đáy cát, nguồn nước trong sạch. Tôm sử dụng các lọai thức ăn tươi sống theo thứ tự ưa thích là tu hài, sò huyết, nghêu, vẹm xanh, tôm, cá.

Sinh sản


Theo nghiên cứu Nguyễn Văn Hùng và cộng sự ở Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản III - Việt Nam trên tôm mũ ni tự nhiên thu thập tại 2 vùng biển Khánh Hòa và Bình Thuận cho thấy:

Mùa vụ sinh sản tôm mũ ni trắng từ tháng 9 đến tháng 5 năm sau, tập trung chính vào tháng 3, tháng 4.

Sức sinh sản dao động từ 12.000- 28.000 trứng/tôm mẹ có chiều dài giáp đầu ngực 5,0- 7,5 cm, trung bình khoảng 18.000 trứng/tôm mẹ.

Tôm có chiều dài giáp đầu ngực từ 46-50 mm có thể tham gia sinh sản lần đầu. Tôm mẹ đẻ trứng dính vào các nhánh đôi chân bụng và liên kết với nhau như dạng chùm nho.

Thời gian phát triển phôi từ 30-35 ngày trước khi nở ra ấu trùng phyllosoma sống trôi nổi trong nước.

Hiện trạng

Tôm vỗ biển nông là loài mang tính thương mại cao và có giá trị xuất khẩu nên chúng được coi là đối tượng đánh bắt quan trọng. Việc gia tăng đánh bắt trong những năm qua đã làm cho sản lượng tôm giảm rõ rệt, diện tích thu hẹp khá nhiều so với trước đây. 

Tài liệu tham khảo

1. http://www.marinespecies.org/aphia.php?p=taxdetails&id=210362

2. http://aquagenria3.com/gen/73-Tom-mu-ni-trang-Thenus-orientalis--Lund--1793-.html



Cập nhật ngày 16/03/2018
bởi NIMDA TH
Xem thêm