Trong tình hình dịch bệnh như hiện nay thì việc giải độc cho đất là rất cần thiết - Ảnh: Trần Út
Đất đã… nhiễm độc?
Từ lâu, thuốc thú y đã được cho là một trong những nguyên nhân làm tôm chết hàng loạt, nhưng chỉ đến khi các nhà khoa học chỉ ra đích danh thì người nuôi mới “ngã ngửa” ra rằng thuốc diệt giáp xác dùng bấy lâu nay có chứa Cypermethrin chính là những “sát thủ vô hình” đã làm cho người nuôi tôm điêu đứng.
Tuy nhiên, điều đáng nói là thuốc diệt tạp hay một số sản phẩm khác có chứa Cypermethrin đã được sử dụng rất lâu rồi nhưng tại sao bây giờ tôm mới bị bệnh và chết nhiều như vậy. Phải chăng, đất ao nuôi tôm đã bị nhiễm độc bởi sự tích tụ Cypermethrin qua thời gian và nguồn nước nuôi tôm cũng bị nhiễm Cypermethrin từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có thuốc BVTV.
Cypermethrin có đặc tính là tan rất kém trong nước, khi sử dụng, một phần lớn chất này hấp phụ vào các hạt lơ lửng có trong nước, phần lớn nhanh chóng hấp phụ vào hệ chất lắng và tích tụ ở lớp bùn đáy ao, trở thành nguồn chứa Cypermethrin tự nhiên trong ao nuôi. Nhiều ý kiến cho rằng ngoài Cypermethrin làm cho tôm chết thì còn nhiều nguyên nhân khác nữa nhưng những gì đã xảy ra trong thời gian qua thì việc “giải độc” cho đất là điều hết sức cần thiết.
Phương pháp giải độc
Theo các nhà khoa học thì trung bình thời gian bán phân hủy của Cypermethrin trong nước là 10 ngày trong khi đó trong bùn đáy ao là 30 ngày. Vì vậy, người nuôi cần phải phơi ao để đáy ao có thời gian phân hủy chất độc, bên cạnh đó việc lấy nước vào ao lắng để trong khoảng thời gian nhất định trước khi đưa vào ao nuôi là điều rất cần thiết.
Cypermethrin bị phân hủy ở môi trường kiềm cao, cho nên việc sử dụng vôi khi cải tạo ao là điều rất quan trọng, đồng thời hạn chế sử dụng một số hóa chất như Chlorine, thuốc tím… đến mức có thể.
Nguồn nước cấp vào ao nuôi phải được lọc qua nhiều lớp túi lọc có kích thước mắt lưới nhỏ để ngăn trứng và ấu trùng cá, giáp xác vào trong ao. Từ đó, có thể không phải sử dụng thuốc diệt giáp xác hoặc dùng những loại thuốc diệt giáp xác khác an toàn hơn.
Với những ao nuôi thả nhiều vụ đều bị thiệt hại, cần chuyển sang nuôi những đối tượng khác như cua, cá biển… Những đối tượng này tuy giá trị kinh tế không bằng tôm nhưng đây là biện pháp mang lại hiệu quả cải tạo môi trường về lâu dài.
>> Hiện nay, ngư dân vùng ven biển tỉnh Trà Vinh đã và đang tận dụng những diện tích ao, đầm nuôi tôm kém hiệu quả sang nuôi cá chẽm. Việc thay đổi đối tượng nuôi không chỉ mang lại hiệu quả mà còn có tác dụng cải tạo môi trường, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh đang hoành hành như hiện nay.