Theo báo cáo nhanh của Sở NN-PTNT Kiên Giang, đến ngày 15-4, toàn tỉnh đã thả nuôi trên 84.000ha tôm nước lợ, trong số này có 68.655 ha tôm - lúa. Tuy ngành nông nghiệp Kiên Giang không nêu số lượng tôm nuôi thiệt hại cụ thể, nhưng theo tổng hợp của chúng tôi, đã có hơn 15.000ha tôm nuôi của tỉnh Kiên Giang xuất hiện tình trạng tôm chết. Nhiều nhất là tại huyện An Minh hơn 11.600ha, huyện An Biên gần 3.200ha, huyện Vĩnh Thuận hơn 500ha.
Theo nhận định của ngành nông nghiệp các huyện vùng U Minh Thượng, nguyên nhân tôm chết do sự biến động quá lớn về nhiệt độ giữa ngày và đêm, ban ngày trời nắng nóng gay gắt nhưng về khuya lại lạnh, kèm theo nhưng cơn mưa trái mùa, gây sốc cho tôm.
Hơn nữa, khi trời nắng nóng kéo dài nước bốc hơi rất nhanh làm cho mực nước trên vuông nuôi xuống thấp nhưng người dân lại không chủ động được ao lắng nên không thể cấp bù nước vào kịp thời, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của tôm. Do không có ao xử lý nên những diện tích bị thiệt hại đều xả nước trực tiếp ra kênh, rạch làm lây lan dịch bệnh cho các khu vực xung quanh.
Hiện tại, người dân và ngành nông nghiệp đã và đang nỗ lực thực hiện các biện pháp khắc phục thiệt hại như thu hoạch tôm sớm bán bù chi phí đầu tư, con giống; tập huấn kỹ thuật giúp nông dân khôi phục lại diện tích thiệt hại; khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng, gia cố đê bao đảm bảo giữ mực nước trên mặt ruộng đạt từ 50 cm trở lên. Trường hợp cần cấp thêm nước vào vuông thì phải lắng lọc kỹ, diệt hết các mầm bệnh.
Ngành nông nghiệp Kiên Giang khuyến cáo, để giải quyết một phần tình trạng tôm chết tại thời điểm giao mùa, nông dân cần tuân thủ triệt để lịch thời vụ do ngành chuyên môn đưa ra, không được chạy theo thời giá, thả giống sai thời điểm. Đây là một lỗi mà thời gian qua người nông dân rất dễ mắc phải.