Bệnh mực cá
Neodiplostomosis
Nguyên nhân
Trùng gây bệnh là Neodiplosmum cuticola (hoặc Neascus cuticola, Tetracotyle cuticola).
Neodiplostomum trưởng thành dài 0,5-2mm, cơ thể chia 2 phần. Có hệ thống tiêu hóa bao gồm: miệng, hầu, ruột phân nhánh. Trùng trưởng thành ký sinh trong ruột chim ăn cá. Đẻ trứng và theo phân chim ra ngoài nước.
Trứng phát triển nở thành ấu trùng Miracidium, hình tròn có nhiều tiêm mao bơi lội trong môi trường nước, đi vào ốc Linnaea stagnalis phát triển qua giai đoạn Sporocysta đến Cercaria. Cercaria rời khỏi ốc bơi lội tự do trong nuớc rồi chui vào trong cơ của cá qua da và mang phát triển ở giai đoạn Metacercaria. Chim ăn cá có mang Metacercaria vào, trùng phát triển thành trùng trưởng thành ký sinh trong ruột chim.
Triệu chứng
Cá bị nhiễm bệnh Neodiplostomosis
Một số cá như lóc, trê, chép... bị Neodiplostomum ký sinh ở cơ, bên ngoài tạo thành một cái bọc có sắc tố màu đen, cá mắc bệnh này nhân dân gọi là "cá mực". Cá bị bệnh kém linh hoạt, bơi lờ đờ trên mặt nước làm mồi cho chim ăn cá tạo điều kiện lặp lại chu kỳ phát triển khép kín của sán lá. Một số ít trùng này còn ký sinh trên thận của cá.
Chẩn đoán bệnh
Kiểm tra ấu trùng Metacercaria trong cơ cá bằng cách nghiền thịt cá cho vào dung dịch tiêu cơ Pepsin – HCl để trong tủ ấm 37oC sau 24h lọc bỏ phần trên các bào nang Metacercaria nặng chìm ở phần đáy. Quan sát dưới kính hiển vi hoặc kính giải phẩu.
Phân bố
Mùa vụ xuất hiện bệnh và mức độ gây thiệt hại
Bệnh này nguy hiểm đối với cá hương, giống. Nó làm cho cá phát triển không bình thường dẫn đến dị hình xương sống. Cá mắc bệnh này sinh trưởng chậm. Thời điểm cao nhất của bệnh này là những tháng mùa hè.
Phòng trị
Phòng trị bệnh này trong vùng nước tự nhiên rất khó khăn. Chủ yếu phòng bệnh bằng cách làm diệt kí chủ trung gian là ốc trong quá trình cải tạo ao. Hạn chế sự xuất hiện của các loài chim ăn cá xung quanh khu vực ao nuôi.
Tài liệu tham khảo
Theo Từ Thanh Dung, 2005. Giáo trình Bệnh học Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ.