Ký sinh trùng Ostrincola koe trên nghêu

Ostrincola koe on clam

Sự hiện diện của Ostrincola koe Tanaka, 1961 (Copepoda: Poecilostomatoida: Myicolidae) trên nghêu Bến Tre Meretrix lyrata. Năm 2016 – 2018, nhóm thực hiện đề tài “nghiên cứu hiện tượng nghêu chết hàng loạt và các giải pháp hạn chế thiệt hại” đã xác định sự hiện diện của loài Ostrincola koe trên nghêu M. lyrata  nuôi tại Bến Tre bằng phương pháp mô tả hình thái dựa trên những đặc điểm phân loại của Ho & ctv (2012),   Lim & Saito (2010), Lin & Ho (1999).

Nguyên nhân

Giáp xác chân chèo (copepod) Ostrincola koe được xem là loài ký sinh trùng gây hại cho nhiều loài nhuyễn thể trong đó có nghêu. 

Triệu chứng

Một số đặc điểm của loài ký sinh này: chiều dài 1.163 – 1.224 µm (không bao gồm râu), chiều rộng 334 – 337 µm,  có lớp vỏ giáp giống như các loài copepod khác nhưng có 2 đốt sinh dục với chiều dài của đốt lớn hơn chiều rộng (khoảng 152 x 121µm), không chân hàm, râu có 7 đốt, đốt 3 của anten có tỷ lệ chiều dài/chiều rộng nhỏ hơn 4/1 (2,8/1 – 3,6/1), ở đốt bụng thứ 3 có hàng viền gai, các chân từ 1-4 chia hai nhánh với 3 đốt có nhiều lông nhánh, con cái O. koe  có hai buồng trứng và có 7 trứng/buồng,...


Hình 1 con cái Ostrincola koe với 2 túi sinh dục, mỗi túi chứa 7 trứng


Hình 2 : -Đốt 3 của chân 1 có 3 gai, 5 lông,    Hình 3: Đốt bụng thứ 3 mặt sau có viền hàng gai

Phân bố

Loài ký sinh trùng này đã là nguyên nhân ban đầu gây chết hàng loạt cho nghêu dầu Meretrix meretrix tại Trung Quốc với cường độ nhiễm 30 cá thể/con nghêu (Ho & Zheng 1994). Sự hiên diện của O. koe cũng đã được ghi nhận trên nghêu Manila Tapes philippinarum và nghêu mật Meretrix lusoria nuôi ở Hàn Quốc (Ho & Kim 1991, Kim 2004), Nhật Bản (Kô & ctv 1962, Kim & Saito 2010), tại Đài Loan (Ho & ctv 2012). Ở Việt Nam trong nghiên cứu của Ngô Thị Ngọc Thủy, 2011 đã xác định sự hiện diện của loài Ostrincola sp. trên nghêu Bến tre Meretrix lyrata nuôi ở các tỉnh ven biển miền Nam, Việt Nam.

Phòng trị

Chưa có biện pháp cụ thể để phòng bệnh ký sinh trùng Ostrincola koe trên nghêu. Theo khuyến cáo của Bộ NN&PTNT, để phòng bệnh do ký sinh trùng gây ra, người nuôi cần thực hiện các biện pháp sau:

- Căn cứ vào kết quả quan trắc môi trường và thời tiết, người nuôi tuyệt đối không nên thả giống vào thời điểm thời tiết không thuận lợi;

- Duy trì mật độ thả thích hợp 180 - 200 con/m2, cỡ giống nuôi 400 - 600 con/kg; dưới 250 con/m2 đối với cỡ giống nuôi 500 - 800 con/kg và 250 - 300 con/m2 đối với cỡ giống 800 - 2.000 con/kg;

- Thường xuyên theo dõi, kiểm tra các yếu tố môi trường nước như: nhiệt độ, độ mặn... ở bãi ngao để khuyến cáo, cảnh báo cho để khuyến cáo cho người nuôi;

- Trong trường hợp, ngao (nghêu) đạt kích cỡ thu hoạch cần khẩn trương thu hoạch tránh thiệt hại xảy ra. Đối với ngao (nghêu) chưa đạt kích cỡ thu hoạch cần chủ động san thưa mật độ không để mật độ quá dày;

- Nếu phát hiện ngao (nghêu) chết, lập tức thu gom, xử lý để tránh lây lan sang các cá thể còn sống, có biện pháp khai thông các vùng đọng nước để tránh hiện tượng đọng nước cục bộ, tránh nhiệt độ tăng cao vào buổi trưa.

Tài liệu tham khảo

vienthuysan2.org.vn

bởi Ngô Thị Ngọc Thủy, Tiêu Thanh Tươi