Nghị định số 109/2013/NĐ-CP: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn
Nghị định chính phủ
Ngày 24/9/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn
Nghị định này quy định về các hành vi vi phạm hành chính; hình thức xử phạt, mức phạt tiền, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về giá, phí, lệ phí, hóa đơn.
Các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến quản lý nhà nước về giá, phí, lệ phí, hóa đơn được quy định tại các Nghị định khác của Chính phủ thì áp dụng quy định tại các Nghị định đó để xử phạt.
Nghị định này áp dụng đối với các đối tượng sau đây: Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn; Tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này; Các đối tượng khác có liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này.
Đối với hành vi vi phạm quy định đăng ký, kê khai phí, lệ phí, phạt cảnh cáo trong trường hợp vi phạm lần đầu đối với hành vi đăng ký, kê khai chậm thời hạn theo quy định pháp luật phí, lệ phí; Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp vi phạm từ lần thứ hai trở đi đối với hành vi đăng ký, kê khai chậm thời hạn theo quy định pháp luật phí, lệ phí; Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi khai không đúng, khai không đủ các khoản mục quy định trong các tờ khai thu, nộp phí, lệ phí hay trong tài liệu kế toán để cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước theo quy định; Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký, kê khai thu, nộp phí, lệ phí với cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.
Đối với hành vi vi phạm quy định về in chứng từ thu phí, lệ phí, Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến dưới 4.000.000 đồng đối với hành vi nhận in, tự in chứng từ không đúng quy định của pháp luật; Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi nhận in, tự in chứng từ trùng ký hiệu, trùng số; Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp vào ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền có được do hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.
Đối với hành vi vi phạm quy định về đăng ký sử dụng chứng từ thu phí, lệ phí, Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng chứng từ nhưng không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định; Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp vào ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền có được do hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09/11/2013 và thay thế Nghị định số 106/2003/NĐ-CP ngày 23/9/2003 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phí, lệ phí; Nghị định số 84/2011/NĐ-Cp ngày 20/9/2011 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá và Chương V Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
"Tài liệu điện tử trên trang tepbac được chia sẻ để sử dụng cho mục đích học tập và nghiên cứu cá nhân. Nghiêm cấm mọi hình thức sao chép, in ấn phục vụ các mục đích khác nếu không được sự chấp nhận của tác giả và nhà xuất bản."