Ông Nils-Johan Tufte, Giám đốc điều hành của Công ty OPD hy vọng thiết kế sáng tạo này sẽ giúp ngành nuôi cá hồi giải quyết các vấn đề dai dẳng như rận biển, dịch bệnh, tình trạng cá bị thoát ra ngoài và quản lý chất thải.
OPD là công ty chuyên sản xuất ống nhựa và bể chứa HDPE dùng trong môi trường biển. Thiết kế dạng vòng (như hình dáng của một chiếc bánh donut) là một trong 34 ứng dụng đang chờ sự cho phép của chính phủ Na Uy để được thử nghiệm trong môi trường nước. Mỗi ứng dụng liên quan đến những khái niệm và công nghệ khác nhau và có thể cần đến nhiều loại giấy phép. Thông thường, các công ty sẽ ước tính khối lượng cá có thể đạt được và bình quân 780 tấn cá cần một giấy phép.
Ông Tufte cho biết: “Nếu chúng ta có thể bắt đầu xây dựng nó vào mùa thu năm 2016, điều đó sẽ là tuyệt vời”. Công ty OPD sẽ xây dựng 5 cấu trúc dạng vòng cho Công ty Marine Harvest và lắp đặt chúng vào năm 2018 ngoài khơi bờ biển của Nordland, một hạt ở phía bắc Na Uy - nơi nhà sản xuất cá hồi nuôi lớn nhất thế giới đã vận hành một cấu trúc này.
Chiều rộng của mỗi cấu trúc dạng vòng này là 55 m (xấp xỉ nửa chiều dài của một sân bóng đá). Mỗi cấu trúc nặng 370 tấn và có dung tích 22.000 mét khối.
Ông Tufte cho biết hình dạng thiết kế như vậy nhằm mang lại hiệu quả cao cho vật liệu HDPE - loại vật liệu chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt của biển, có thể tái chế và bảo vệ cá hồi bên trong một cách an toàn. Đặc biệt là, toàn bộ hệ thống được cố định, giúp ngăn chặn bệnh tật lây lan ra bên ngoài, ngược lại, cũng giúp tránh một số vấn đề như vụ tràn dầu ở vùng biển địa phương. Trong trường hợp đó, ôxy sẽ được bổ sung kịp thời cho cá và người nuôi.
Ngoài ra, có thể điều chỉnh nhiệt độ nước. Đối với chất thải, có thể thu thập và tái chế hoặc xử lý bằng một phản ứng sinh học để giảm từ 30-40% các chất dinh dưỡng trước khi xả thải.
Công ty Marine Harvest đang cân nhắc một số công nghệ sản xuất mới. Giám đốc Truyền thông Ola Helge Hjetland cho biết: “Lợi thế rõ ràng của cấu trúc dạng vòng này đó là một hệ thống khép kín, tách biệt cá với môi trường xung quanh. Điều này hy vọng sẽ đảm bảo sức khỏe cho cá và gây tác hại nhỏ hơn đến môi trường. Việc giảm nhu cầu sử dụng các biện pháp phòng trị bệnh cũng sẽ dẫn đến giảm chi phí.”
Hiện Marine Harvest đã nộp đơn xin 34 giấy phép cho cấu trúc này, với 4 công nghệ mới khác nhau, trong đó có 3 hệ thống là dạng vòng, vật thể hình trứng và các khu nuôi trồng thủy sản trên tàu hàng, còn lại là 1 cấu trúc khác cho phép nuôi cá hồi tại khu vực tiếp xúc nhiều hơn với biển.
Trong mùa thu năm 2015, chính phủ Na Uy đã cấp phép không giới hạn số lượng các giấy phép phát triển công nghệ đặc biệt này (trong thời gian 2 năm) để giúp giảm rủi ro và giảm chi phí thử nghiệm công nghệ vì công nghệ mới này có thể giải quyết vấn đề môi trường và phát triển ngành nuôi cá hồi tại Na Uy.
Một tài liệu năm 2015 của chính phủ Na Uy đã nêu bật tiềm năng tăng trưởng bền vững (bảo vệ môi trường) của ngành nuôi cá hồi nước này đến năm 2050. Các nhà nghiên cứu ước tính ngành thủy sản Na Uy có tiềm năng tăng trưởng gấp 6 lần, chủ yếu trong lĩnh vực nuôi cá hồi. Nội dung của tài liệu chính phủ đã dựa một phần vào nghiên cứu này.
Hjetland, Phát ngôn viên của Marine Harvest cho biết: “Chính phủ Na Uy sử dụng giấy phép phát triển như một động lực cho ngành nuôi cá hồi để tìm ra những cách thức mới và bền vững hơn. Chúng tôi tin rằng đây là một sáng kiến khôn ngoan. Ngành nuôi trồng thủy sản cần phải đổi mới và bền vững hơn nếu chúng ta muốn phát triển trong tương lai và đáp ứng nhu cầu thị trường”.
Sự đổi mới không hề rẻ
Với chi phí 65 triệu NOK (tương đương 7,8 triệu USD) cho mỗi cấu trúc dạng vòng, Dự án của Marine Harvest đem lại khoản doanh thu 325 triệu NOK (39 triệu USD) cho Công ty OPD và chiếm một chỗ đứng vững chắc trong thị trường mới. Trong khoảng 15 năm tới, dưới sự đánh giá của chính phủ Na Uy, nếu cấu trúc dạng vòng này giải quyết ổn thỏa các vấn đề về môi trường và vấn đề xác định địa điểm nuôi trồng thủy sản, Marine Harvest sẽ thu được ít nhất 250 triệu NOK (30 triệu USD) khi chuyển đổi những giấy phép phát triển thành các giấy phép thương mại, điều này giúp bù đắp chi phí và những rủi ro trong quá trình nỗ lực nghiên cứu và phát triển Dự án.
Để được chính phủ phê duyệt, một dự án phải thể hiện sự đầu tư lớn và sự đổi mới hướng tới giải quyết các vấn đề môi trường và các vấn đề liên quan đến địa điểm nuôi - có nghĩa là việc quản lý trong một khu vực ven biển phải trở nên dễ dàng hơn.
Bà Mari Sorensen Aksnes, một Cố vấn pháp lý làm việc tại Phòng Phê duyệt giấy phép cho biết: “Một khi đã được phê duyệt, Chính phủ sẽ thiết lập các tiêu chí cụ thể mà dự án đó cần phải đáp ứng. Các nhà sản xuất và các công ty nuôi cá hồi phải có một kế hoạch chia sẻ công nghệ với ngành nuôi cá hồi vì một lợi ích lớn hơn”.
Bà Sorensen Aksnes cũng cho biết: Cho đến nay, Na Uy đã phê duyệt 1 ứng dụng và từ chối 4 ứng dụng.
Ocean Farming AS, một công ty con của Tập đoàn SalMar và được hỗ trợ bởi Kongsberg Maritime AS, đã được chính phủ cấp phép xây dựng cơ sở nuôi trồng thủy sản tự động đầu tiên trên thế giới. Dự án kết hợp các công nghệ từ nuôi trồng thủy sản Na Uy và các ngành công nghiệp dầu khí ngoài khơi. Theo một thông cáo báo chí từ Kongsberg Maritime, thiết kế này đòi hỏi một cấu trúc hoàn toàn chìm trong nước, được neo đậu cố định và trôi nổi trong lòng đại dương ở độ sâu 100-300 mét.
Theo Kongsberg, điều kiện ở các khu vực tiếp xúc với nước biển như vậy ở khoảng cách xa đến vài dặm ngoài khơi, nơi có dòng chảy ổn định, sẽ hạn chế sự tiếp xúc với rận biển và có lợi cho sức khỏe của cá. Cơ sở này được thiết kế hoàn toàn tự động, đòi hỏi nhóm 3-4 người vận hành. Theo Kongsberg, nó cũng có thể được điều khiển từ xa.
Liên tục cải tiến kỹ thuật lồng
Một trong những đối thủ cạnh tranh hàng đầu của Marine Harvest là Cermaq đã giới thiệu iFarm, một hệ thống mới được phát triển bởi BioSort AS sử dụng một công nghệ trực quan để nhận ra từng con cá dựa trên các mẫu chấm của chúng.
Trong một hệ thống iFarm, cá được chuyển vào một buồng cảm biến, ghi lại kích thước, sự hiện diện của rận biển và các dấu hiệu có thể có của bệnh. Theo một thông cáo trực tuyến của Cermaq, hệ thống có thể phát hiện bất kỳ thay đổi nào trong tốc độ tăng trưởng của cá, cho phép chẩn đoán và điều trị sớm hơn. Từng con cá có thể được tách riêng để điều trị bệnh rận biển.
Ông Geir Molvik, Giám đốc điều hành Cermaq cho biết: “Đây là một bước tiến công nghệ trong việc nuôi cá hồi lồng, ở đây chúng ta chuyển từ việc theo dõi theo nhóm thành việc theo dõi và điều trị cho từng con cá. iFarm sẽ có những đóng góp đáng kể vào việc giải quyết những thách thức mà ngành nuôi trồng thủy sản đang phải đối mặt”.
Cermaq đã nộp hồ sơ xin 10 giấy phép để đưa iFarm từ giai đoạn xây dựng và hoàn thiện ý tưởng đến thực hiện thương mại hóa.
Câu hỏi đặt ra đối với phương pháp nuôi cá hồi tiếp xúc với nước biển, đó là: Các giải pháp này có thực sự hiệu quả ở các nước khác không?
Ông Tufte cho biết: “Chúng tôi có lý do để tin rằng giải pháp này cũng sẽ mang lại hiệu quả ở các nơi khác”. Ông còn hy vọng sẽ xây dựng các cấu trúc này ngay trong các nhà máy đóng tàu địa phương.