Tỉnh mở rộng diện tích nuôi thủy sản theo hướng và đạt tiêu chuẩn VietGAP đạt 800 ha. Tổng sản lượng thủy sản năm 2021 của toàn tỉnh dự kiến đạt 49.500 tấn; trong đó sản lượng thủy sản nuôi là 46.000 tấn, sản lượng thủy sản khai thác là 3.500 tấn.
Để đạt mục tiêu, tỉnh Bắc Giang tập trung thực hiện tốt giải pháp về giống thủy sản như tăng cường quản lý các cơ sở giống; tăng cường kiểm tra, bình tuyển đàn cá bố mẹ; từng bước kiểm soát chất lượng con giống từ tỉnh ngoài vào địa bàn.
Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2011- 2020, tranh thủ các nguồn lực từ Trung ương cho hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng các vùng nuôi thuỷ sản tập trung, các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh.
Năm 2021, tỉnh Bắc Giang tập trung chỉ đạo mở rộng diện tích nuôi thủy sản thâm canh, bán thâm canh, thông qua đẩy mạnh tuyên truyền các mô hình chăn nuôi thâm canh có hiệu quả, làm tốt trong khuyến ngư, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về nuôi thuỷ sản thâm canh và bán thâm canh...
Đồng thời, địa phương tiếp tục khai thác tối đa tiềm năng lợi thế về diện tích mặt nước sẵn có để phát triển chăn nuôi thuỷ sản, tận dụng các loại hình thuỷ vực như nuôi ruộng trũng, mặt nước lớn, khắc phục dần tình trạng thả cá quảng canh cho năng suất thấp ở một số hộ nông dân hiện nay.
Nhằm nâng cao giá trị ngành thủy sản, năm 2021 tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về thuỷ sản, áp dụng quy trình chăn nuôi thuỷ sản thâm canh, bán thâm canh, sản xuất thuỷ sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, phòng trị bệnh thuỷ sản; mở rộng công nghệ nuôi cá siêu thâm canh, nuôi theo hình thức sông trong ao; đưa các giống thuỷ sản có giá trị kinh tế cao vào sản xuất.
Tỉnh cũng tăng cường quản lý nhà nước chuyên ngành thuỷ sản, quản lý chất lượng con giống, thú y thuỷ sản; kiểm tra chất lượng vật tư, thức ăn, thuốc thú y thuỷ sản và thanh tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.
Đặc biệt chú trọng thông tin thị trường, khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi thuỷ sản, gắn sản xuất với tiêu thụ, phát triển các sản phẩm thủy sản có thị trường tiêu thụ...
Năm 2020, diện tích mặt nước đã đưa vào nuôi trồng thuỷ sản cơ bản hoàn thành xuống giống của tỉnh Bắc Giang là 12.500 ha, tăng 50 ha so với năm 2019. Trong số này, diện tích nuôi chuyên canh đạt 5.825 ha, tăng 25 ha so với kế hoạch và tăng 1,8% so với 2019.
Diện tích nuôi thủy sản thâm canh và bán thâm canh trên địa bàn tỉnh đạt 4.390 ha; trong đó diện tích nuôi thâm canh năng suất cao bình quân 10 tấn/ha là 1.650 ha, diện tích nuôi bán thâm canh năng suất bình quân từ 5 - 7 tấn/ha là 2.740 ha.
Việc phát triển diện tích nuôi năng suất cao, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp sản lượng và năng suất cá thương phẩm năm 2020 của tỉnh Bắc Giang tăng so với năm 2019.
Sản lượng thu hoạch cá thương phẩm năm 2020 của tỉnh ước đạt 47.905 tấn, tăng 4,1% so với năm 2019; trong số này, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 44.590 tấn, khai thác tự nhiên là 3.315 tấn. Giá cá thương phẩm tại ao thời điểm này tại tỉnh Bắc Giang trung bình đạt 38.000 đồng/kg, tương đương cùng kỳ năm 2019.
Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã hình thành nhiều vùng nuôi cá tập trung với các hình thức nuôi năng suất cao, sản xuất hàng hóa như ở các xã Minh Đức, Nghĩa Trung (huyện Việt Yên), các xã Cao Thượng, Ngọc Châu, Song Vân (huyện Tân Yên), các xã Thái Đào, Đại Lâm (huyện Lạng Giang), các xã Thái Sơn, Hợp Thịnh (huyện Hiệp Hòa), các xã Xuân Phú, Lão Hộ (huyện Yên Dũng), phường Đa Mai, xã Song Mai (thành phố Bắc Giang).... Các mô hình nuôi thủy sản có doanh thu trên 1 tỷ đồng xuất hiện ngày càng nhiều tại tỉnh.
Thực hiện Đề án Tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Đề án Phát triển thủy sản VietGAP của tỉnh, năm 2020 Chi cục Thủy sản tỉnh đã chỉ đạo, định hướng các hộ nuôi cá ở các vùng nuôi tập trung thành lập 6 tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản trên địa bàn các huyện Yên Dũng, Tân Yên, Việt Yên... với 50 thành viên, thông qua đó người nuôi cá hỗ trợ nhau về kỹ thuật, các yếu tố đầu vào và nhất là lĩnh vực tiêu thụ sản phẩm.
Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 22 tổ hợp tác nuôi thủy sản trên địa bàn 6 huyện, thành phố với tổng diện tích nuôi an toàn sinh học, theo hướng VietGAP đạt 750 ha.