Anh Lư Trung Kiên (người nuôi tôm thẻ chân trắng, xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải) chia sẻ: “Nuôi tôm ròng rã mấy tháng trời, vậy mà giá tôm rớt “thảm” quá. Nếu nuôi tiếp để chờ giá thì không biết khi nào giá mới tăng, còn thu hoạch mà bán với giá như hiện nay thì lỗ vốn. Bây giờ tôi chẳng biết phải làm sao!”. Còn ông Huỳnh Văn Suôi (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu) gọi thương lái vào bán với giá 72.000 đồng/kg tôm thẻ chân trắng (loại 103 con). Vụ này gia đình ông Suôi lỗ trên 40 triệu đồng.
Ngoài việc thu mua tôm thẻ chân trắng với giá thấp, thương lái còn đưa ra mức giá “cào bằng” theo hình thức mua “đồng giá”. Nếu như trước đây, giá tôm thẻ chân trắng được phân theo kích cỡ thì nay thương lái mua với loại 60 - 100 con/kg chỉ một giá là 85.000 đồng/kg. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, sở dĩ giá tôm thẻ chân trắng loại “size” lớn có giá thấp là do các đối tác nhập hàng của các công ty chế biến, xuất nhập khẩu trong tỉnh không lấy nguồn hàng tôm lớn, mà chỉ chọn loại từ 90 - 100 con/kg.
Ông Hồ Thanh Tuấn, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Hải, khuyến cáo: “Trước mắt, người dân không nên nôn nóng bán tháo, bán chạy đối với các ao tôm thẻ chân trắng đang ở kích cỡ thu hoạch để tránh thiệt hại. Những diện tích cải tạo xong, bà con nên tạm hoãn thời gian xuống giống để tránh bị động về giá, hoặc chuyển sang nuôi tôm sú để cân bằng nguồn tôm nguyên liệu”.
Trong khi giá tôm thẻ chân trắng liên tục giảm thì giá bán tôm sú vẫn khá bình ổn. Hiện, tôm sú loại 30 con/kg có giá 205.000 - 225.000 đồng/kg, loại 40 con/kg giá 150.000 - 165.000 đồng/kg.
Thiết nghĩ, để hạn chế những thiệt hại về giá cho người nuôi tôm, các địa phương cần tính toán, quy hoạch lại diện tích canh tác, nhất là diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng. Đồng thời khuyến cáo bà con nên cân nhắc lựa chọn đối tượng nuôi để có lợi nhuận cao nhất sau mỗi vụ thu hoạch.