Trong vai một người nội trợ, tôi đến quầy hàng thủy sản Thuyết Thơm ở chợ Kho Đỏ (TP Hải Dương) để hỏi mua cá tầm. Người bán hàng cho biết, mỗi ngày cá tầm được bán một giá khác nhau, hôm nào lấy được rẻ thì bán rẻ và ngược lại. Tuy nhiên, cá tầm ở đây không được bày bán công khai, chỉ khi nào có khách hỏi, người bán mới đi lấy hàng về. Biết tôi muốn mua với số lượng lớn, chị bán hàng cho tôi số điện thoại 012131...68 để liên hệ. Ngày 22-5, tôi gọi vào số này thì được biết, cá tầm có giá 170 nghìn đồng/kg, nếu lấy nhiều thì được giảm 5 nghìn đồng/kg. Khi tôi hỏi, sao giá cá tầm lại rẻ thế, thì người bán hàng khẳng định ngay đây là cá Trung Quốc. Nếu mua cá tầm Sa Pa thì giá khá cao và rất khó đặt được hàng.
Ông Nguyễn Văn Tình ở phố Mạc Thị Bưởi (TP Hải Dương) cho biết: "Gần đây, khi đi dự các đám cưới, tôi thấy có một số món ăn mà nguyên liệu có xuất xứ từ Trung Quốc như ếch và cá tầm. Tôi chắc chắn điều này vì tuy nước ta đã sản xuất được cá tầm nhưng số lượng còn ít và giá bán từ 280-300 nghìn đồng/kg, trong khi đó cá tầm Trung Quốc chỉ có giá 90 nghìn đồng/kg, khi vận chuyển về nước ta thì giá tăng thêm chút ít. Ếch cũng tương tự như vậy, nhìn bề ngoài ếch Trung Quốc to gấp rưỡi so với ếch ta và bóng bẩy hơn, nhưng giá lại rẻ hơn từ 20-30 nghìn đồng/kg. Do được nuôi công nghiệp nên thịt của những loại này ăn không thơm như thủy sản nuôi tự nhiên".
Bên cạnh cá, ếch, thị trường tỉnh ta cũng đã xuất hiện cua, ghẹ “lạ”. Chị Nguyễn Thị Hiền ở phố Hàn Trung (TP Hải Dương) cho biết: Hôm vừa rồi tôi mua ở chợ Đông Ngô Quyền một con cua biển. Khi luộc lên bên trong có nhiều gạch không giống bình thường mà có màu vàng đen. Khi gỡ, thịt cua không dẻo dai mà bở ra từng miếng. Do nghi ngờ thịt cua không bảo đảm chất lượng nên chị Hiền không cho con ăn. Đem điều này hỏi một số người chuyên bán cua, ghẹ ở chợ Phú Yên, chị Hiền được biết: Cua ghẹ được những người bán ở đây lấy từ Hải Phòng. Đặc điểm của chúng là mình dài, khi luộc lên thịt dẻo, không bị hôi. Trong khi con cua chị Hiền mua lại ngắn, béo hơn.
Việc các loại thủy, hải sản trên được bày bán nhiều đã làm cho giá thủy sản của tỉnh ta xuống thấp, ảnh hưởng đến việc sản xuất của nông dân. Ông Phạm Văn Tình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Năm 2011, giá cá điêu hồng ở thị trường trong tỉnh dao động từ 55-60 nghìn đồng/kg, đến năm 2012 giảm xuống còn 36-40 nghìn đồng/kg, hiện nay tuy đã nhích lên được 40-45 nghìn đồng/kg nhưng vẫn khó lên được mức cũ. Cá lăng chấm trong tỉnh hiện chỉ bán với giá 60 nghìn đồng/kg, trong khi cùng kỳ năm trước giá của loại cá này khoảng 130 nghìn đồng/kg. Hiện toàn tỉnh không có cơ sở nào nuôi ếch.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, các loại thủy sản Trung Quốc được bán với giá thấp là do họ áp dụng phương pháp nuôi công nghiệp với quy mô lớn. Họ có thể tự sản xuất được thức ăn và con giống. Tại một số cơ sở nuôi cá lăng chấm của tỉnh ta cũng nhập con giống từ Trung Quốc về.
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Tịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện ông chưa ghi nhận được thông tin gì về thủy sản Trung Quốc bán trên thị trường tỉnh ta. Thêm vào đó cũng khó khẳng định đây là hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc, chỉ là do những người bán hàng nói như vậy. Vì thế, nếu kiểm tra thì chỉ có thể khẳng định được đây là hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Hiện nay, liên tục có những thông tin hàng hóa Trung Quốc có chứa nhiều chất độc hại như gừng có dư lượng Aldicarb - một loại thuốc sâu độc hại. Cơ thể người bị phơi nhiễm Aldicard ở mức độ cao có thể gây co thắt phế quản, chảy nước miếng, teo đồng tử, co thắt ruột, tiêu chảy, buồn nôn và tim đập chậm. Trước đó, trên thị trường đã phát hiện đồ chơi thú nhún, đèn lồng, nhiều loại thực phẩm từ Trung Quốc chứa các chất cấm, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.