Theo Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 97/2015/QH13 và Nghị quyết số 113/2015/QH13 của Quốc hội khóa XIII liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN), thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) bám sát tinh thần chỉ đạo của Quốc hội tại các nghị quyết nêu trên để triển khai nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng các cơ chế, chính sách cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tổ chức triển khai các nhiệm vụ KH&CN, phát triển thị trường KH&CN, các hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ (SHTT), an toàn bức xạ và hạt nhân đồng thời triển khai các nhiệm vụ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn...
Theo đó, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KH&CN, đồng thời xây dựng các chương trình KH&CN đặc thù cho nông nghiệp nông thôn phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ KH&CN nghiên cứu xây dựng và ban hành thông tư về Danh mục công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.
Đặc biệt, việc ký kết hợp tác và triển khai hiệu quả Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giữa Bộ KH&CN và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã góp phần nâng cao trình độ KH&CN trong ngành nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm có chất lượng và tính cạnh tranh cao.
Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học về giống, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật đã được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp giúp giảm chi phí đầu tư cho doanh nghiệp, góp phần tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao, hỗ trợ tái cơ cấu xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, tăng giá trị xuất khẩu, đưa nước ta vào nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về tôm, cá tra, cà phê, điều nhân, hạt tiêu và gạo.
Bên cạnh đó, các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đã tăng hiệu quả kinh tế từ 15-30%. Nhờ đó, số lượng doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp đăng ký hoạt động KH&CN, doanh nghiệp công nghệ cao đầu tư vào nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh. Nhiều doanh nghiệp trong số đó không chỉ đầu tư nhà máy với dây chuyền hiện đại mà còn đầu tư các phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025, đủ điều kiện để thực hiện các nghiên cứu.
Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp chọn tạo và công nhận 02 giống lúa chính thức cho sản xuất là Đông A1 và TBR279 nguyên chủng và 57.850 tấn hạt giống lúa xác nhận để cung cấp cho sản xuất. Triển khai hiệu quả các Chương trình sản phẩm quốc gia năm 2020 và Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,... và đạt được nhiều kết quả, đem lại giá trị kinh tế cao.
Trong lĩnh vực chăn nuôi hỗ trợ chế tạo thành công bộ KIT PCR phát hiện virus dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) từ mẫu bệnh phẩm của lợn. Chế tạo thành công bộ kit Real-time PCR phát hiện virus DTLCP từ mẫu bệnh phẩm của lợn. Cả hai bộ KIT đã được Cục Thú y kiểm định về chất lượng.
Bên cạnh đó, việc sản xuất thành công một số loại vắc xin phục vụ chăn nuôi lợn, vắc xin tụ huyết trùng; các sinh phẩm que thử thai sớm trên bò với giá thành thấp hơn từ 30-40% sản phẩm ngoại nhập đã được nhiều doanh nghiệp đón nhận.
Trong lĩnh vực thủy sản hỗ trợ cho sinh sản nhân tạo thành công 02 nguồn gen thủy sản có giá trị kinh tế tại Việt Nam là tôm mũ ni và hải sâm vú, trên thế giới chỉ có Úc và Nhật Bản nghiên cứu sinh sản nhân tạo thành công nguồn gen này. Nghiên cứu, xây dựng thành công quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm trai tai tượng vảy phục vụ phát triển kinh tế ven biển, đặc biệt là vùng biển xa. Triển khai hiệu quả Chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp- thủy sản. Đăng ký thành công 02 chứng nhận sở hữu trí tuệ về quy trình sản xuất kháng thể cho loài tôm.
Đến nay đã có 03 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập (Hậu Giang, Phú Yên và Bạc Liêu); 08 Khu đang trong quá trình hoàn thiện đề án. Cấp địa phương, có 09 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về nuôi trồng thủy sản, trồng hoa, lúa, chuối được địa phương công nhận; 124 khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do doanh nghiệp đầu tư được UBND cấp tỉnh thành lập; và 45 doanh nghiệp nông nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Hiện nay, các địa phương trong cả nước đã tập trung đầu tư và phát triển được khoảng 21.000 mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, dần hình thành được một số vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa quy mô lớn, trong đó có 1.096 chuỗi nông sản an toàn.
Thông qua việc đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, phát triển quy mô sản xuất từ hộ gia đình thành hợp tác xã, phát triển các vùng nguyên liệu gắn với sản xuất, đã tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo tại các địa phương.