Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Toàn Thắng, xã Vĩnh Hiệp (TX. Vĩnh Châu) Phạm Văn Mừng chia sẻ: “HTX có diện tích nuôi tôm nước lợ hơn 43ha. Trong vụ nuôi tôm 2020, hầu hết thành viên đều phấn khởi vì có vụ mùa thành công cả về năng suất, sản lượng và đầu ra con tôm tương đối tốt. Do đó, để nuôi tôm thành công, người nuôi cần phải có kinh nghiệm, liên tục cập nhật các kiến thức mới, nhất là kỹ thuật nuôi của ngành chuyên môn hướng dẫn cùng với đó cần quan sát yếu tố thời tiết, môi trường nước, đặc biệt quan trọng nhất cần phải tuân thủ lịch thời vụ do ngành Nông nghiệp tỉnh đưa ra. Vì vậy, toàn HTX đều chờ đến lịch thời vụ mới bắt đầu thả giống tôm nuôi nước lợ. Hiện tại, toàn bộ diện tích nuôi tôm của HTX đang được tiến hành cải tạo ao, duy trì và gia cố bờ bao ao nuôi. Bên cạnh đó, một số thành viên HTX có điều kiện đã thực hiện mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn…”.
Trưởng Phòng Kinh tế TX. Vĩnh Châu Mã Chí Thọ thông tin: “Tổng diện tích nuôi tôm nước lợ trên địa bàn thị xã là 24.000ha. Với diện tích nuôi trên, trong vụ nuôi năm 2021 dự kiến thả nuôi tôm sú 10.000ha, tôm thẻ là 14.000ha, cùng với đó diện tích nuôi tôm công nghệ cao khoảng 2.000 - 2.500ha. Theo khung lịch thời vụ của tỉnh thì thị xã đã và đang tiến hành khâu cải tạo ao, qua đó đã thả nuôi 826ha, trong đó tôm sú 200ha, còn lại tôm thẻ.
Đồng thời, diện tích thả nuôi còn lại, bà con đang tích cực cải tạo ao để xuống giống và dự kiến đến cuối tháng 8 sẽ hoàn thành việc thả nuôi tôm sú, kết thúc tháng 9 thì toàn bộ diện tích thả nuôi tôm trên địa bàn thị xã sẽ hoàn thành theo đúng khung lịch thời vụ của ngành Nông nghiệp tỉnh ban hành”. Để vụ nuôi tôm 2021 đạt kết quả tốt, đơn vị phối hợp các xã, phường rà soát lại các tuyến kênh và thực hiện nạo vét nhằm tạo sự thông thoáng nguồn nước phục vụ cho việc nuôi tôm của bà con thuận lợi. Song song đó, đơn vị cũng đã triển khai các mô hình nuôi tôm thành công phổ biến đến hộ nuôi như: mô hình nuôi 2 giai đoạn hoặc 3 giai đoạn, quy trình nuôi tuần hoàn tôm - cá kết hợp công nghệ Biofloc, mô hình nuôi lót bạt nền đáy ao...
Đồng chí Quách Thị Thanh Bình - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: “Để vụ nuôi tôm thành công, đòi hỏi sự chung tay của ngành chuyên môn, các cấp chính quyền và đặc biệt là người nuôi phải thực hiện tốt các khâu chuẩn bị khi bắt đầu mùa vụ thả nuôi tôm nước lợ. Trước nhất là tuân thủ đúng lịch thời vụ ngành chuyên môn khuyến cáo, kế tiếp là khâu cải tạo ao nuôi, chú ý nuôi nước để có nguồn nước tốt trước khi thả tôm vào ao nuôi và điều quan trọng bà con hết sức lưu ý đó là lựa chọn giống tôm phải có địa chỉ nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Thêm nữa, bà con phải quan tâm thực hiện đúng kỹ thuật xử lý ao, thả nuôi rải vụ theo hình thức thăm dò và tùy vào năng lực sản xuất để chọn hình thức, đối tượng và mật độ thả nuôi phù hợp, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, nhất là đối với các mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Ngoài ra, việc lựa chọn thức ăn cho tôm và các sản phẩm phục vụ con tôm sau thả nuôi cũng cần phải lưu tâm là mua tại các cửa hàng thủy sản uy tín. Đứng về góc độ ngành chuyên môn, đơn vị sẽ tiếp tục cập nhập thông tin về diễn biến tình hình nuôi, các yếu tố liên quan đến môi trường, thời tiết và cảnh báo về dịch bệnh trên tôm, trường hợp cần thiết sẽ tiếp tục điều chỉnh lịch thả giống cho phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng…”.
Thành công của vụ nuôi tôm nước lợ không chỉ quyết định trong khung lịch thời vụ mà còn một số yếu tố chủ quan thời tiết, khí hậu, quy trình kỹ thuật của người nuôi. Tuy nhiên, để giảm thiểu các rủi ro trong quá trình nuôi, trước tiên bà con nông dân nên áp dụng khung lịch thời vụ kèm theo các hướng dẫn kỹ thuật của ngành chuyên môn, chắc chắn sẽ góp phần để bà con có vụ nuôi thắng lợi.