Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Bộ NN&PTNT cho biết, sau khi kiểm nghiệm 30 mẫu cá nghi nhập lậu từ Trung Quốc (10 mẫu cá tầm, 10 mẫu cá trê, 10 mẫu cá quả) tại một số các chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội, Cục đã phát hiện 4 mẫu, trong đó 1 mẫu cá tầm, 1 mẫu cá trê nhiễm chất kháng sinh cấm Leuco Malachite và 2 mẫu cá quả nhiễm hóa chất, kháng sinh cấm AOZ - những chất không an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng. Chất Leuco Malchite được sử dụng để diệt vi khuẩn và nấm ngoài da của thủy sản, còn chất AOZ được sử dụng để chữa các bệnh cho thủy sản.
Trong khi đó, theo ghi nhận từ thị trường, cá tầm nhập lậu không chỉ nhiễm chất kháng sinh cấm, mà còn nhiễm cả chất tăng trọng bị cấm. Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Nguyễn Như Tiệp cho biết, hiện Cục chưa kiểm nghiệm chất tăng trọng. Cho dù có kiểm nghiệm cũng rất khó tìm ra các chất tăng trọng này.
Theo Chủ tịch Tập đoàn Cá tầm Việt Nam Lê Anh Đức, với sản phẩm hoa quả như táo, nho của Trung Quốc, sau nhiều lần kiểm nghiệm mới phát hiện ra một số chất độc hại có hàm lượng vượt tiêu chuẩn cho phép, còn trước đó thì vẫn báo là có độ an toàn.
Với cá tầm, việc kiểm tra dư lượng các chất cấm còn khó khăn hơn nữa bởi nó là động vật sống. Nếu có chất tăng trọng thì nó đã được hấp thu tương đối trong một quá trình dài chứ không phải một vài ngày. Nếu kiểm nghiệm những mẫu cá này tại các trung tâm hiện đại như Singapore chẳng hạn thì chắc chắn sẽ phát hiện ra những chất tăng trọng.
Tuy nhiên, muốn kiểm tra một mẫu cá tầm để tìm ra thuốc tăng trọng phải tiến hành phân tích 127 chỉ tiêu được biết đến trên thế giới và chúng ta biết Trung Quốc có những loại thuốc tăng trọng mà thế giới không biết là chất gì. Chi phí xét nghiệm một chỉ tiêu tại Singapore là 1.000 USD và 127 chỉ tiêu cần đến 127.000 USD.
Ông Đức nói, đây là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, chứ không phải trách nhiệm của doanh nghiệp và người tiêu dùng.