Một chuyện tưởng chừng chỉ có trong các phim khoa học viễn tưởng. Tuy nhiên quan điểm và niềm tin của bạn đọc sẽ thay đổi sau khi đọc cuốn sách “Khi loài cá biến mất” của Mark Kurlansky. Ông là một cựu ngư dân.
Trước khi bắt đầu với sự nghiệp viết lách, Mark thích câu cá và lênh đênh trên biển. Chứng kiến đại dương đang bị phá hủy bởi con người, tác giả hy vọng cuốn sách sẽ như một hồi chuông cảnh tỉnh nhận thức của mọi người trước khi quá muộn.
“Khi loài cá biến mất” là một cuốn sách khoa học rất thành công trong việc diễn giải cơ chế vận hành của sự sống trên Trái Đất theo một cách dễ hiểu và đơn giản nhất: từ trên trời, dưới biển, trên cạn cho đến mối liên hệ, tương tác mật thiết giữa các loài trong ngôi nhà chung Trái Đất.
Sách “ Khi loài cá biến mất”. Ảnh Ái Trinh
Đi kèm với những thông tin bổ ích đó là lời cảnh báo chúng ta về một tương lai không xa, nơi mà sự sống trên Trái Đất, từ các loài sinh vật biển cho đến loài người, bị phá hủy do chính những hành động của con người.
Thông điệp ấy được Mark Kurlansky lặp lại rất nhiều lần xuyên suốt 11 chương của cuốn sách, xen kẽ giữa những kiến thức khoa học, câu chuyện lịch sử xoay quanh môi trường sống chiếm gần 2/3 địa cầu này.
Một báo cáo gần đây của các nhà khoa học nói rằng nếu những loài cá thương mại-cá đánh bắt làm thực phẩm tiếp tục suy giảm như hiện nay thì tới năm 2048 đa phần chúng sẽ có nguy cơ tuyệt chủng hoặc không thể phục hồi vì mức đa dạng sinh học cần thiết để duy trì loài bị suy giảm.
Điều này phản ánh rõ ràng nhất, đồng thời cũng là nét chấm phá khác biệt của cuốn sách thông qua mẩu truyện tranh nhỏ của cha con Kram và Ailat. Câu chuyện kết thúc với một câu hỏi như xoáy vào tâm can người đọc của cô con gái Ailat khi hướng đôi mắt ra bờ đại dương đang chết và tò mò: “Mẹ ơi, cá là gì ạ?”
Đóng góp vĩ đại của Darwin đã cho chúng ta hiểu rằng tất cả thực thể sống trên trái đất này đều có mối quan hệ nhất định với nhau. Theo trật tự tự nhiên, toàn bộ các loài sinh vật vừa phải cạnh tranh lẫn nhau, vừa có mối quan hệ mật thiết với nhau. Không chỉ có các loài có mối quan hệ với nhau mà ngay cả môi trường, khí hậu đều liên quan đến nhau.
Vì tất cả vật chất và năng lượng là đều hoạt động tuần hoàn theo chu trình khép kín. Biển chiếm đến 71% diện tích Trái Đất, như vậy dĩ nhiên 71% này có ảnh hưởng lớn đến 29% đất còn lại. Biển với gió biển, bão biển, thuỷ triều, các dòng hải lưu... ảnh hưởng đến hệ sinh thái của Trái Đất.
Mark Kurlansky đã phơi bày một trong những thảm họa ít được biết đến trong thời đại của chúng ta. Một cuốn sách đặc biệt phù hợp trong tình hình bối cảnh hiện tại với tình trạng đánh bắt cá bừa bãi, ô nhiễm môi trường và hiện tượng nóng lên toàn cầu tạo nên một hiệu ứng cánh bướm khiến toàn bộ đại dương bị ảnh hưởng. Ông kết lại sách với thông điệp hãy cùng nhau thay đổi mọi thứ trước khi quá muộn.
Một ví dụ dễ thấy về mối quan hệ các loài tại Bình Định, vào tháng 8.2022 có sự xuất hiện của một cặp mẹ con loài cá voi Bryde, tên khoa học Balaenoptera edeni tại biển Đề Gi, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát.
Mối quan hệ giữa các loài được thể hiện rõ nét qua cảnh săn mồi của cá voi và các loài chim biển được chụp tại Bình Định vào tháng 8.2022. Ảnh CBES
Thức ăn của cá voi Bryde tương đối đa dạng, bao gồm các loài cá nhỏ thường đi theo đàn, phiêu sinh vật, cũng như các loài giáp xác có kích thước nhỏ. Hình ảnh tuyệt đẹp của cá voi Bryde xuất hiện tại Bình Định lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội đó là khi chúng dồn đàn cá nhỏ lên mặt nước để săn mồi và có rất đông đàn chim biển xuất hiện, bay phía trên, lao xuống tranh mồi.
Do loài cá voi Bryde có tập tính nuôi con bằng sữa hết 06 tháng, nên các cá thể mẹ thường chọn những vùng biển êm, có lượng thức ăn phong phú để nghỉ và nuôi con. Việc cá voi mẹ chọn vùng biển Đề Gi để nuôi con và kiếm ăn là một tín hiệu tích cực cho thấy cho thấy môi trường biển gần bờ của Bình Định được cải thiện, có nhiều thức ăn đáp ứng các yêu cầu của loài thú biển này.
Mark viết “Các loài chim biển cần sự giúp đỡ của cá ngừ, cá heo, cá voi và những loài cá lớn khác để dẫn dắt chúng tìm thức ăn. Nếu không có các loài cá lớn sống ở tầng đáy lùa những con cá nhỏ lên mặt biển, loài chim biển sớm muộn cũng bị chết đói”. Và đương nhiên sự suy thoái của loài này kéo theo sự suy thoái của loài khác và kết quả là ảnh hưởng đến toàn bộ sự sống của cả địa cầu.
Tạo hóa đã ban cho chúng ta tài nguyên thiên phong phú đa dạng. Tại các nước đang phát triển, có khoảng một tỷ người đang coi cá và hải sản là nguồn dinh dưỡng chính của họ và có tới hơn một nửa tỷ người coi đánh cá là nghề kiếm sống của họ. Các hải sản dồi dào ở đại dương tạo nguyên liệu cho kỷ nghệ hải sản: tôm đông lạnh, nước mắm, mực khô, cá khô.. góp phần tạo được công ăn việc làm cho dân cư sống dọc bờ biển và đóng góp vào xuất cảng.
Việt Nam, với bờ biển dài hơn 3.260 km, nhiều làng mạc phải nhờ biển mà sống. Và đã đến lúc chúng ta cần nhận thức được rằng nguồn tài nguyên ấy không phải là vô tận. Thực tế cho thấy hiện nay nguồn lợi thủy sản đang dần cạn kiệt và rất nhiều loài đã được đưa vào danh mục các loài thủy sản nguy cấp, quí hiếm cần được bảo tồn. Thậm chí theo các nhà khoa học một số loài đã chết và biến mất khỏi trái đất trước khi chúng ta thực sự biết đến sự tồn tại của chúng.
Để bền vững con người cần “nuôi biển”. Nuôi biển ở đây có thể hiểu là nuôi dưỡng và bảo vệ môi trường, nguồn tài nguyên biển. Bình Định đã và đang rất quan tâm đến việc khai thác tài nguyên thiên nhiên phải đi đôi với quản lý và bảo vệ để phát triển bền vững.
Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải thu gom rác dưới đáy biển. Ảnh TCCĐ
Một số dự án nuôi biển thành công của Bình Định có thể kể đến như phục hồi hệ sinh thái rạn san hô, bảo tồn rùa biển, trồng rừng ngập mặn... và sắp tới là triển khai mô hình thí điểm thu gom rác thải nhựa trên tàu cá để hạn chế tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa đại dương. Hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển cũng mở ra lối đi cho việc chuyển đổi nghề khi thực hiện quy hoạch nghề cá bền vững tại Bình Định.