Cua xe tăng - Độc lạ từ ngoại hình đến tập tính
Tên gọi cua xe tăng có nguồn gốc từ chính những người dân địa phương đặt do loài cua có kích thước “khủng” này khi chạy luôn giơ cao hai càng.
Cua xe tăng có hai cái càng to trông rất đáng sợ. Ảnh: vietnamnet.vn
Cua xe tăng có tên khoa học là Cardisoma carnifex thuộc họ cua cạn Geocarcinidae. Dựa trên hình dạng mai khá giống hình trái tim nên tên giống Cardisoma của loài cua này có sự kết hợp đặc biệt của hai nhóm từ là “Cardi” có nghĩa là “trái tim”, còn “soma” có nghĩa là “cơ thể”.
Để có thể trưởng thành, ấu trùng của loài cua này phải trải qua đến 5 giai đoạn. Điều đặc biệt là trong thời gian đầu chúng trôi nổi khắp đại dương cho đến khi hình thái bên ngoài phát triển giống với cua xe tăng trưởng thành thì mới tìm đường trở về nơi tổ tiên chúng sống.
Cua xe tăng trưởng thành có mai dài hơn 10cm, nặng hơn 1kg. Với đời sống trong hang (đường kính 8-12cm và độ sâu có thể lên tới 2m), các gai trên mai của chúng đã tiêu biến hoàn toàn để thích nghi với môi trường sống.
Là loài ăn tạp nên cua xe tăng sở hữu đôi càng rất chắc khoẻ, bằng chứng là chúng có hai cái càng tương đối to, nhất là chiếc càng phải để giúp chúng có đủ sức xé lá và ăn các loài thực vật.
Dù có “vũ khí” chiến đấu khá lợi hại là cặp càng to tướng, cua xe tăng lại là loài cua có bản tính nhát người. Nhờ vào màu sắc mai là màu nâu sẫm (màu hạt dẻ) và khả năng di chuyển, ẩn nấp kỹ nên chúng đã tránh được đa số mối nguy tiềm ẩn từ con người cũng như những kẻ săn mồi khác.
Tại sao cua xe tăng chỉ có ở Côn Đảo?
Được biết, loài cua này có độ phân bố rất rộng do ấu trùng cua xe tăng thường có trôi dạt trong các vùng nước ấm của đại dương rồi bị gió dạt sóng xô và sau cùng bằng cách nào đó những con cua non lại trở về nguồn. Trên thế giới, cua xe tăng chủ yếu phân bố ở những bãi cát, sình pha hay rừng ngập mặn ở châu Phi, biển Indo – Thái Bình Dương và kể cả đảo Fiji.
Cua xe tăng chỉ xuất hiện ở khu rừng ngập mặn Côn Đảo. Ảnh: taucaotoc.vn
Tại Việt Nam, dù có nhiều nơi cũng có điều kiện tự nhiên tương tự khu vực rừng ngập mặn như Cần Giờ, Cà Mau,… nhưng cua xe tăng chỉ phân bố ở Côn Đảo. Đến nay, điều này vẫn chưa được lý giải một cách cặn kẽ bởi chúng ta cần nhiều thời gian hơn để thực hiện nghiên cứu đa lĩnh vực. Chẳng hạn, dòng chảy hải lưu, lưới thức ăn cũng như các vấn đề liên quan đến sinh thái, di truyền,… lẫn điều kiện môi trường sống cụ thể của loài cua xe tăng Côn Đảo.
Một trong những lý do hợp lý nhất khiến một loài cua cạn như cua xe tăng phải di chuyển đến tận biển Côn Đảo mỗi mùa “vượt cạn” là vì nhiệt độ nước biển Côn Đảo ổn định, thích hợp cho ấu trùng phát triển. Ngoài ra, nơi đây cũng là nơi có lượng thức ăn phong phú và dồi dào rất thuận tiện cho cua cái lúc sinh con.
Cua xe tăng ở Côn Đảo thường sinh sản vào độ tháng 11, tháng 12 hằng năm và có thói quen kiếm ăn vào ban đêm (18-20 giờ). Do đó, nếu muốn tận mắt quan sát loài cua cạn lớn nhất Việt Nam này, du khách có thể ưu tiên những khung thời gian trên.
Ngày nay, khi càng nhiều người biết đến danh tính của loài cua lớn nhất Việt Nam và bán đảo Đông Dương này thì những mối đe dọa đối với sự sinh tồn của chúng càng gia tăng. Do đó, nước ta vẫn đang nỗ lực nghiên cứu sâu về đời sống, tập tính của cua xe tăng để bảo tồn và phát triển loài cua đặc biệt này đúng cách và hiệu quả.