Theo đó, 5 doanh nghiệp có vùng nuôi cá tra là mới được chứng nhận ASC là Công ty Gò Đàng, Công ty Docifish, Công ty Tô Châu, Công ty TNHH Hùng Cá, Công ty NTSF.
Theo thông tin từ hội thảo “Bảy vấn đề chính của tiêu chuẩn ASC/PAD” do Tổ chức chứng nhận Bureau Veritas Certification Việt Nam tổ chức tại Tp Cần Thơ vừa qua, tiêu chuẩn ASC xoay quanh 7 vấn đề chính gồm các vấn đề về khía cạnh môi trường và xã hội, trong đó trách nhiệm xã hội được đánh giá là vấn đề còn khá mới mẻ đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Trong vòng 10 năm (2001-2011), diện tích nuôi cá tra đã tăng 5 lần, sản lượng tăng 36 lần, giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng gần 45 lần, từ 40 triệu USD lên 1,74 tỷ USD, chiếm 34,4% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước và đóng góp khoảng 2,2% GDP của cả nước.
Có thể nói việc sản xuất và xuất khẩu cá tra đã phát triển với một tốc độ “chóng mặt” mà chưa có ngành sản xuất thực phẩm nào trên thế giới sánh kịp. Tuy nhiên, sự tăng trưởng quá nhanh này đưa vấn đề về trách nhiệm của các đơn vị liên quan đến môi trường, xã hội và an toàn thực phẩm trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Theo Tổ chức chứng nhận Bureau Veritas Certification Việt Nam, chứng nhận ASC/PAD chính là lời giải cho bài toán trên. Đây là tiêu chuẩn tự nguyện áp dụng đối với nhà sản xuất nuôi trồng thủy sản, việc chứng nhận nhà sản xuất đạt theo tiêu chuẩn này có thể đảm bảo với nhà bán lẻ, nhà hàng, công ty dịch vụ thực phẩm, người mua rằng nguồn gốc sản phẩm là từ nhà sản xuất có trách nhiệm.