Thông tin trên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đưa ra trong báo cáo Hiện trạng và giải pháp phát triển ngành tôm Việt Nam tại hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam diễn ra ngày 6-2 tại Cà Mau.
Theo Bộ NN&PTNT, diện tích nuôi tôm nước lợ có khả năng mở rộng lên đến một triệu héc ta.
Số liệu thống kê của bộ cho thấy, năm 2016, tổng diện tích thả nuôi tôm của cả nước ước đạt gần 700.000 héc ta, trong đó khoảng 600.000 héc ta là tôm sú, còn lại là tôm thẻ chân trắng.
Như vậy, kể từ năm 2000 đến nay, diện tích thả nuôi tôm đã tăng từ 229.00 héc ta lên gần 700.000 héc ta. Thời điểm đó, sản lượng đạt khoảng 100.000 tấn, nay đã ở mức 627.000 tấn trong năm 2016. Tính ra, sau 16 năm, diện tích thả nuôi tôm đã tăng ba lần, còn sản lượng tăng sáu lần.
Cũng trong báo cáo này, bộ cho biết trong số gần 700.000 héc ta nuôi tôm hiện nay có 560.000 héc ta là nuôi tôm quảng canh với năng suất trung bình 200-350kg/héc ta. Diện tích này có thể tăng năng suất cao gấp 3-5 lần hiện tại nếu áp dụng những giải pháp phù hợp. Còn vùng nuôi tôm công nghiệp, hiện năng suất bình quân vẫn còn thấp, khoảng 4 tấn/héc ra. Diện tích này có thể nâng cao năng suất từ 1,5 đến 2 lần so với hiện tại.
Như vậy, về lý thuyết, ngành tôm Việt Nam vẫn còn dư địa để tăng thêm 300.000 héc ta nuôi tôm để đạt con số 1 triệu héc ta cũng như tăng năng suất cả ở mô hình quảng canh lẫn nuôi công nghiệp.
Năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu tôm sang 90 thị trường, đạt kim ngạch 3,15 tỉ đô la Mỹ, tăng 6,7% so với năm 2015. Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đến năm 2020, mặt hàng tôm sẽ mang về cho Việt Nam 4,5 tỉ đô la Mỹ và đạt 8-10 tỉ đô la Mỹ trong năm 2030.
Trang Chinhphu.vn dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội thảo trên, đại ý rằng ngành nông nghiệp phải làm cách nào đó để đến năm 2025 phải đạt kim ngạch 10 tỉ đô la Mỹ, thay vì phải đến năm 2030 như mục tiêu của Bộ NN&PTNTđưa ra trong báo cáo nói trên.