Theo ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Thới An ở quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ, những ngày đầu tháng 2, giá cá tra trên địa bàn ĐBSCL đã nhích dần lên, từ 19.000 – 19.500 đồng/kg lên đến 22.000 – 25.000 đồng/kg. Thế nhưng, từ ngày 26/2 đến nay, giá cá tra lại liên tục giảm mạnh, trung bình ở mức 21.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm giá chỉ còn 18.000 đồng/kg.
Niềm vui ngắn chẳng tày gang. Nhiều nông dân vừa nhen nhóm tia hy vọng rằng thị trường cá tra sẽ khởi sắc trở lại, nào ngờ ngay sau đó đã vụt tắt.
"Với vốn đầu tư nuôi cá tra hiện nay vào khoảng 24.000 – 25.000 đồng/kg, trong khi giá bán ra thấp như vậy khiến người nông dân lỗ nặng. HTX Thới An cũng lâm vào tình cảnh quá khó khăn. Nếu như trước đây, HTX nuôi được trên 10.000 tấn cá một năm, giờ chỉ còn 1.000 tấn/năm. Và chỉ khi nào có mối tiêu thụ, HTX mới dám nuôi. Vì vậy, không biết từ nay đến cuối năm, còn giữ được diện tích nuôi nữa hay không", ông Hải hoang mang.
Ông Lâm Thành Phú, nông dân nuôi cá tra ở Vĩnh Long kể, sau khi giá cá tra tăng lên, ai cũng nghĩ sẽ có cơ hội vớt vát, dù chỉ lời từ 1.000 – 2.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do giá lên rồi xuống nhanh nên 200 tấn cá tra đang kỳ xuất ao của ông chưa kịp bán. Ông Phú tính toán, nếu chấp nhận bán vào lúc này, ông sẽ phải chịu lỗ từ 2.000 – 3.000 đồng/kg. Mỗi khi giá biến động thất thường, người nông dân luôn ở vào thế bị động và thua thiệt.
Vẫn theo ông Phú, phương thức thanh toán của doanh nghiệp theo cách trả chậm như hiện nay cũng đang bóc lột nông dân. Trong quá trình giao dịch, doanh nghiệp hứa một tháng sau khi bán cá sẽ trả tiền cho nông dân. Nhưng có nhiều hộ nông dân cả ba tháng nay vẫn chưa nhận được tiền bán cá. Chính điều này làm cho người nông dân càng thêm điêu đứng, không muốn thả vụ mới, thậm chí còn có ý định bán ao nuôi cho doanh nghiệp.
Các thương lái ở ĐBSCL lý giải, giá cá tra tăng mạnh rồi đột ngột giảm là do nhu cầu tiêu thụ cá tra trên thị trường chưa thực sự khởi sắc. Đa số khách hàng mới này là đối tác cũ của các doanh nghiệp bị phá sản hay ngừng hoạt động nên giá cá tra lại tiếp tục giảm theo nguyên tắc cung - cầu của thị trường.
Theo bà Phạm Thị Thu Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Vĩnh Long, với giá cá trồi sụt như hiện nay, người nuôi luôn ở thế bị động, phải phụ thuộc vào giá thức ăn và các doanh nghiệp. Còn doanh nghiệp lại đang thiếu vốn trầm trọng, khi lãi suất đã hạ nhưng điều kiện cho vay không đổi. Bởi thế, trong thời gian tới, Chính phủ cần nới lỏng các điều kiện cho vay.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) cũng cho hay, Bộ NN&PTNT mới tiến hành kiểm tra, xác minh việc vay nợ của các hộ nuôi, doanh nghiệp cá tra tại ĐBSCL xong. Kết quả cho thấy, cả doanh nghiệp và người nuôi đều rất khó tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng, vì thực tế tài sản thế chấp của các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ đã nằm trong dư nợ cũ nên họ không còn tài sản thế chấp để vay mới. Chưa kể, thời hạn cho vay 4 tháng/chu kì sản xuất 8 – 12 tháng là không hợp lí.
Bởi thế, Bộ NN&PTNT vừa đề nghị Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lại thời hạn cho vay nuôi cá tra, xem xét sửa đổi bổ sung giá trị tài sản thế chấp cho các hộ nuôi cùng doanh nghiệp, cơ cấu lại nợ…