Trước những tác động của biến đổi khí hậu, thị trường, giá cả, rào cản thương mại... các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra phải thay đổi cách thức và phương thức kinh doanh, xây dựng được các sản phẩm tốt nhất, sạch nhất, giá cả hợp lý nhất. Xuất khẩu gặp khó khăn nhưng cũng là cơ hội cho cá tra vào thị trường nội địa giàu tiềm năng với 92 triệu dân.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định.Tại hội nghị "Tổng kết tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra 2016 và giải pháp để phát triển bền vững" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang tổ chức ngày 14/12 tại An Giang.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 11/2016, diện tích nuôi cá tra thương phẩm đạt 4.552 ha, sản lượng đạt 1,047 triệu tấn. Ước tính, diện tích nuôi cá tra trong cả năm có thể đạt gần 5.000 ha với sản lượng khoảng 1,20 triệu tấn (tăng 9% so với 2015). Tổng giá trị xuất khẩu năm 2016 ước đạt 1,67 tỷ USD, tăng 6,6% so với năm 2015.
Hiện nay Việt Nam xuất khẩu cá tra sang 140 thị trường trên thế giới, tăng 4 thị trường so với năm 2015, đạt kim ngạch 1,466 tỷ đô la Mỹ (USD). Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam gồm có: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, ASEAN, Mexico, Brazil, Colombia và Ảrập Xêut…
Năm 2016, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long có 108 cơ sở cho sinh sản nhân tạo cá tra; 1.856 hộ ương dưỡng cá giống với diện tích khoảng 1.500 ha, sản lượng cá bột ước đạt khoảng 16,5 tỷ con, tăng 1,0% so với cùng kỳ và tập trung tại các địa phương trọng điểm như Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long...
Trong năm 2016, giá thu mua cá tra nguyên liệu tại ao dao động từ 18.000 đồng đến 23.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng đến 4.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2015; trong đó, 3 tháng đầu năm 2016, giá cá dao động từ 19.500 đồng đến 20.000 đồng/kg nên người nuôi lỗ từ 1.500 đồng đến 2.000 đồng/kg.
Đến nay, giá cá dao động khoảng 21.300 đồng đến 22.000 đồng/kg (tùy vào chất lượng và phương thức thanh toán), người nuôi cá vẫn đang có lãi. Giá cá tra nguyên liệu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình hình xuất khẩu, sản lượng cá tra và các yếu tố khác. Sớm hình thành các tổ hợp tác trong sản xuất cá tra.
Ông Như Văn Cấn, Vụ Trưởng, Vụ nuôi trồng thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long có 4.785 ao nuôi cá tra thương phẩm; trong đó, có 2.267 ao thuộc sở hữu cá thể chiếm 47,38%; 2.486 ao nuôi thuộc sở hữu của doanh nghiệp (chiếm 51,95%) tương đương khoảng 2.600 ha và có 32 ao thuộc sỡ hữu của các hợp tác xã và tổ hợp tác. Trong thời gian qua, bước đầu, các doanh nghiệp trong nước đã quan tâm đến việc xây dựng chuỗi liên kết.
Tuy nhiên, số lượng vẫn chưa nhiều và chưa tạo được thành những chuỗi liên kết hoàn chỉnh. Một số doanh nghiệp chế biến thủy sản đã xây dựng vùng nuôi riêng, tự sản xuất cá tra bột và ương cá giống và tự sản xuất thức ăn, thuốc thú y tạo 1 chuỗi khép kín từ sản xuất cá bột đến nuôi thương phẩm xuất khẩu.
Trên thực tế, sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ cá nguyên liệu ở một số nơi còn chưa chặt chẽ, hợp đồng cung cấp và thu mua sản phẩm giữa doanh nghiệp với hộ nông dân nuôi cá tra được ký kết nhưng chưa hiệu quả. Nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ còn gặp nhiều khó khăn, khi ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.
Liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ cá nguyên liệu ở một số nơi còn chưa chặt chẽ. Ảnh: Chính Tới/TTXVN
Ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc, Công ty cổ phần Tập đoàn Hùng Vương, cho biết, đồng bằng sông Cửu Long mỗi năm cần trên 30 tỷ cá tra bột (cá giống), phục vụ nhu cầu nuôi xuất khẩu. Nhưng hiện nay, thị trường con giống chưa được quan tâm dẫn đến việc mạnh ai nấy làm; chất lượng con giống không đảm bảo; ảnh hưởng đến chất lượng cá sau khi file, xuất khẩu.
Vì thế, doanh nghiệp kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần đầu tư nơi sản xuất giống cá tra theo công nghệ cao; sản xuất giống ở những địa phương có nhiều thế mạnh, với 100% vốn của nhà nước; tạo liên kết bền vững về thức ăn, thuốc thú y thủy sản... để hình thành các liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân cho ngày càng bền chặt.
Cũng theo ông Minh, để phát triển liên kết ngành nuôi cá tra, công ty đã bỏ tiền ra hợp tác với nông dân nuôi thí điểm 50.000 tấn cá ở An Giang để được cung cấp thức ăn, bao tiêu đầu ra sản phẩm và đảm bảo quyền lợi cho nông dân.
Theo Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, đã đến lúc các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá trá của Việt Nam cần phải bắt tay nhau cùng hợp tác, chia sẻ với người nuôi trong chuỗi giá trị; hợp tác cùng với nhà nước xây dựng thương hiệu cho con cá tra Việt Nam, tạo ra ưu thế về sản xuất cá tra, để các doanh nghiệp Việt Nam làm chủ thị thường và không bị chi phối bởi giá cả,...
Cùng với đó, người nuôi cũng phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của vùng nuôi theo hướng bền vững, gắn với các chuỗi liên kết, tổ hợp tác hoặc các hợp tác xã, hướng đến quy trình nuôi cá tra theo tiêu chuẩn VietGap, GobalGap,...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ giao các đơn vị chuyên môn rà soát lại các đầu mối quản lý nhà nước liên quan đến cá tra, tạo điều kiện thuận lợi cho cả doanh nghiệp và người nuôi; nâng cao vai trò của Hiệp hội Thủy sản và Hiệp Hội Cá tra để trở thành cánh tay nối dài của các doanh nghiệp và nhà nước để chủ động trong vấn đề thị trường cũng như đầu mối xuất khẩu.
Dự báo, năm 2017, thị trường cá tra sẽ tăng trưởng 10% đạt hơn 1,7 USD. Do đó, ngoài các thị trường truyền thống, thị trường lớn, các doanh nghiệp cần chú ý phát triển và trụ vững ở tất cả các thị trương hiện có; tập trung khai thác thị trường trong nước với 92 triệu dân; đồng thời chủ động xây dựng phương án xâm nhập thị thường, đưa sản phẩm cá tra vào hệ thống các siêu thị, kênh bán lẻ trực tuyến... Đây là cơ hội cho con cá tra chiếm lĩnh sâu hơn thị trường trong nước./.