Ông Nguyễn Hoàng Anh – Giám đốc Công ty Thuỷ sản Nam miền Trung cho biết, Công ty cần khoảng 50 ha để đầu tư khu nuôi tôm công nghệ cao, với nhiều mô hình để nông dân tiếp cận quy trình nuôi mới. Cùng với đó là chủ động nguồn tôm giống thuần ngọt tại chỗ, kiểm soát nước thải, môi trường, nguồn nước và thâm canh đối với tôm.
Lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo Công ty trao đổi về quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, thích ứng nước ngọt
Công ty sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật nuôi tôm cho cán bộ thuỷ sản và người nông dân. Bước đầu, Công ty sẽ hỗ trợ giống và hướng dẫn quy trình để người dân nuôi thử nghiệm – ông Nguyễn Hoàng Anh cho hay.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Dương thống nhất với đề xuất của Công ty và chỉ đạo Ngành nông nghiệp phối hợp với Công ty khảo sát địa điểm đầu tư trên địa bàn tỉnh, xây dựng mô hình trình diễn, theo dõi quá trình thuần ngọt của tôm thẻ chân trắng và chọn 4 – 5 hộ nông dân cùng thực hiện; đồng thời, tổ chức cho cán bộ kỹ thuật và nông dân tham quan thực tế mô hình nuôi tôm của Công ty.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Dương đã khảo sát mô hình sản xuất tôm của Công ty Thuỷ sản Nam miền Trung tại Bình Thuận.
Được biết, Công ty Thuỷ sản Nam miền Trung cũng đang đầu tư tại Long An trại vèo thuần dưỡng giống tôm thẻ chân trắng thích ứng với nước ngọt.
Để nuôi được tôm thẻ chân trắng ở vùng nước ngọt, người dân đã khoan giếng lấy nước ngầm, pha thêm muối ăn và một số khoáng chất vào ao. Việc làm này sẽ ảnh hưởng đến tầng nước ngầm và thải ra môi trường làm mặn hoá vùng trồng lúa gây ảnh hưởng năng suất.
Buổi làm việc với Công ty Thuỷ sản Nam miền Trung nhằm mục tiêu nghiên cứu giống tôm thẻ chân trắng thuần ngọt, phù hợp với môi trường tự nhiên, giải quyết bài toán tạo nước mặn ở vùng nước ngọt để nuôi tôm thẻ chân trắng.
Hiện tại, các quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh đối với quản lý nuôi tôm thẻ chân trắng vẫn áp dụng.