Giá trị cao nhưng lắm rủi ro
Trong 5 năm trở lại đây, ngành sản xuất tôm Việt Nam nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng đối mặt với nhiều thách thức, trong đó giá cả biến động là một trong những nguyên nhân khiến nhiều hộ dân phải treo ao, bỏ xứ đi làm ăn xa.
Theo ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản bền vững (ICAFIS), con tôm của Việt Nam đã xuất khẩu ra trên 100 quốc gia, chiếm đến 45% giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Thành công nhiều nhưng khó khăn cũng không ít, nhất là về thị trường. Từ tháng 1 đến tháng 9-2018, giá tôm Việt Nam chạm đáy do người nuôi không nắm thông tin. Người nuôi bị thua thiệt khi không biết giá tôm hiện nay ra sao, xu hướng thị trường thế nào để định giá bán với thương lái, định hướng vùng nuôi, thời điểm thu hoạch…
Hợp tác xã Đoàn kết, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau được thành lập từ năm 2010 với 74 xã viên và có diện tích nuôi tôm 164ha. Ông Châu Công Trực, Giám đốc Hợp tác xã Đoàn kết, cho biết: Thời gian qua, hợp tác xã chủ yếu bán tôm qua thương lái nên đôi khi rơi vào tình trạng bị ép giá, giá thấp hơn giá thị trường tại thời điểm thu hoạch. Có những trường hợp thương lái đến ao nuôi để lấy mẫu tôm đi kiểm nghiệm rồi lấy lý do tôm không đạt tiêu chuẩn để ép giá thu mua. Cũng có những trường hợp do xã viên không cập nhật giá kịp thời nên bị thương lái mua với giá thấp hơn giá thị trường đến 10.000 đồng/kg làm ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận.
Nhằm giảm thiểu các rủi ro về thị trường, ổn định sản xuất cho người nuôi tôm tại Việt Nam, đầu tháng 4-2019, Ban Quản lý dự án “Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững và công bằng tại Việt Nam (SusV)”, Trung tâm ICAFIS và tổ chức Oxfam phối hợp cùng Công ty Cổ phần Công nghệ và Đầu tư Cửu Long ra mắt “Sàn giao dịch Tôm Việt”. Đây là sàn giao dịch mua- bán tôm duy nhất tại Việt Nam đi vào hoạt động đến thời điểm hiện tại. Sàn giao dịch không chỉ có sự tham gia của người nuôi, người bán, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu mà còn có các bên cung cấp dịch vụ con giống, thức ăn… Mong muốn của các đơn vị tham gia thành lập sàn giao dịch là góp phần xây dựng thương hiệu và giúp truy xuất nguồn gốc tôm, đảm bảo quyền và lợi ích của các bên liên quan.
Nhân rộng mô hình
Với sự hỗ trợ của ICAFIS, Công ty Cổ phần Công nghệ và Đầu tư Cửu Long là đơn vị xây dựng Sàn giao dịch Tôm Việt có địa chỉ website: http://cnsv.vn. Thông qua sàn giao dịch này, người nuôi tôm sẽ được xem giá tôm thực tế mà các thành viên khác đã giao dịch thành công trên sàn để biết giá từng mặt hàng ở các địa phương. Từ đó người nuôi có thể chủ động trong mua bán như: tiền cọc, giá bán dựa trên cơ sở giá thị trường; chủ động chọn thời điểm giao hàng, có thể đặt lệnh bán trước khi thu hoạch để giúp người bán chọn được thời điểm bán có lợi nhất. Hoạt động mua bán có thể diễn ra 24/7, tính thanh khoản cao, giao dịch không bị giới hạn về không gian, vị trí địa lý. Sàn giao dịch cũng giúp người nuôi tôm giới thiệu, quảng bá được sản phẩm có chất lượng; có thể chọn phương thức thanh toán qua sàn giao dịch, quản lý được tình hình mua bán; được bảo vệ quyền lợi theo quy định pháp luật và quy định sàn giao dịch.
Việc mua bán qua sàn giao dịch sẽ tạo tiếng nói chung cho người nuôi tôm với các đối tác trong chuỗi giá trị tôm. Ông Nguyễn Mạnh Triều, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Công nghệ và Đầu tư Cửu Long, chia sẻ: Khi mua bán tôm qua sàn giao dịch sẽ giúp hình thành thói quen mua bán trước khi thu hoạch nhằm tránh rủi ro được mùa, mất giá. Người nuôi có thể chọn thời điểm bán lúc giá cao, bán có lời không nhất thiết phải nuôi tôm đến lúa tôm lớn mới bán. Chính người nuôi tôm sẽ quyết định vị thế cho mình trong môi trường cạnh tranh thông qua việc sử dụng dịch vụ của Sàn Giao dịch khi tự công bố sản lượng, chất lượng sản phẩm do mình cung ứng. Đối với doanh nghiệp xuất khẩu tìm nguồn hàng nhanh chóng, thời gian đáp ứng đơn hàng và giao hàng nhanh hơn. Qua số liệu trên sàn có thể dự đoán được nguồn cung, chủ động nguồn nguyên liệu để lên kế hoạch sản xuất, có dữ liệu để phân tích đánh giá xu hướng giá cả của từng mặt hàng....
Giao dịch mua bán tôm qua sàn giao dịch sẽ khuyến khích người sản xuất quan tâm hơn trong việc sản xuất tôm có chất lượng để bán được giá cao hơn tôm thông thường. Ông Huỳnh Quốc Khởi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Thông qua hoạt động của sàn giao dịch, cơ quan quản lý nhà nước sẽ cập nhật kịp thời các thông tin về giá bán, sản lượng tôm giao dịch để từ đó định hướng sản xuất, chỉ đạo sản xuất theo nhu cầu dự báo, tiêu chuẩn chất lượng tôm nuôi theo yêu cầu thị trường, nhờ ký kết hợp đồng qua sàn giao dịch, nông dân được bao tiêu sản phẩm tránh tình trạng trúng mùa, mất giá.
Theo ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản bền vững (ICAFIS), Trung tâm đã ký kết Biên bản ghi nhớ với Ban quản lý dự án “Phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững và công bằng tại Việt Nam” để tiến tới tuyên truyền, vận động người nuôi tôm, các hợp tác xã cùng tham gia vào sàn giao dịch để chủ động kết nối, chào bán sản phẩm qua sàn. Sàn giao dịch cũng có đội ngũ nhân viên hỗ trợ cho người nuôi tôm thao tác mua bán qua sàn, điền thông tin đăng bán sản phẩm. Hướng tới giúp sàn giao dịch vận hành thông suốt và góp phần phát triển thị trường tôm Việt Nam xứng tầm với tiềm năng, năng lực hiện có.