Ngày 24/5, Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản Phú Yên đã có thông báo kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường nước đợt 10, ngày 20/5.
Theo đó, đối các vùng nuôi tôm hùm mặc dù các chỉ tiêu môi trường có cải thiện đáng kể so với các đợt quan trắc vào tháng 4 và đầu tháng 5, song vẫn còn có một vài chỉ tiêu nằm ngoài ngưỡng giới hạn cho phép.
Cụ thể, hàm lượng DO (Oxy hòa tan) trong nước thấp hơn giới hạn cho phép tại các vùng nuôi Dân Phú - Xuân Phương (mẫu nước tầng đáy), Phước Lý - Xuân Yên (mẫu nước tầng đáy) và Nhất Tự Sơn - Xuân Thành (mẫu nước tầng đáy) dao động 4,4 - 4,7 mg/l.
Mật độ Vibrio spp tổng số vượt ngưỡng giới hạn cho phép tại vùng nuôi Phú Dương - Xuân Thịnh (mẫu nước tầng giữa và đáy), Dân Phú - Xuân Phương (mẫu nước tầng mặt và đáy), Nhất Tự Sơn - Xuân Thành (mẫu nước đáy) dao động 1000 - 3190CFU/ml. So đợt 9 quan trắc ngày 13/5/2019 thì đợt 10 quan trắc ngày 20/5/2019, mật độ Vibrio tổng số tăng thêm 3 vị trí vượt ngưỡng GHCP và có biến động tăng so với ngưỡng giới hạn cho phép.
Trước tình hình trên, Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên khuyến cáo người nuôi nên tiếp tục duy trì lồng nuôi tại tầng giữa hoặc gần tầng mặt để tránh thiếu oxy cục bộ cho tôm nuôi. Với thời tiết bất lợi như hiện nay, ngày nắng nóng, oi bức, thỉnh thoảng chiều tối và đêm có mưa dông, người nuôi nên nâng lồng lên khỏi tầng đáy, dùng lưới lan (hai lớp) che mát trên mặt lồng nhằm làm giảm cường độ ánh sáng và chống tôm bị stress, treo các túi vôi ở các góc lồng nhằm hạn chế tảo tàn do mưa dông, sát trùng môi trường nước, ổn định pH tạm thời...
Trường hợp trời oi, đứng gió cần phải sục khí để cung cấp Oxy hòa tan cho tôm nuôi. Các hộ nuôi thường xuyên theo dõi diễn biến môi trường, màu nước chú ý kiểm tra sự phân tầng của nước (nhiệt độ, độ mặn, Oxy hòa tan, ...), thường xuyên kiểm tra sức khỏe tôm nuôi (nhất là khi trời nắng và đứng gió) để có những giải pháp sử lý kịp thời.
Đối với mật độ Vibrio tổng số vượt ngưỡng giới hạn cho phép xảy ra rải rác tại các vùng nuôi làm tăng nguy cơ vật nuôi dễ nhiễm bệnh do vi khuẩn.
Do vậy, người nuôi nên san thưa mật độ nuôi trong lồng, những cá thể tôm bị nhiễm bệnh nên tách nuôi riêng, cần tăng cường vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ, không để hàu, hà,... bám vào lồng làm bịt kín các lổ lưới và làm giảm sự lưu thông dòng nước giữa bên ngoài và bên trong lồng nuôi. Định kỳ nên bổ sung các chế phẩm sinh học, vitamin và khoáng chất nhằm tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi tránh các tác nhân gây bệnh.