Có mặt tại xã Đa Lộc (Hậu Lộc) sau đợt ngao chết hàng loạt vào cuối tháng 3 đầu tháng 4-2019, chúng tôi phần nào hiểu được những câu chuyện vui buồn của nghề nuôi ngao. Anh Phạm Đức Nhuận, thôn Đông Hải - một trong những người tiên phong phát triển nghề nuôi ngao ở xã Đa Lộc, cho biết: Ngao là loài nhuyễn thể dễ nuôi, chỉ cần cải tạo bãi nuôi, chọn vị trí nuôi phù hợp rồi thả con giống chứ không phải cho ăn. Bình quân mỗi vụ nuôi ngao đạt doanh thu khoảng 500 triệu đồng/ha, trừ chi phí, cho lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng. Tuy nhiên, nghề nuôi ngao luôn gặp nhiều rủi ro, thông thường một vụ nuôi ngao thương phẩm kéo dài 1,5 đến 2 năm mới thu hoạch. Trong quá trình nuôi, việc ngao chết từ 10 đến 20% là bình thường, nhưng vừa qua ngao chết hàng loạt với tỷ lệ lên đến 70% đến 80% số lượng là việc không bình thường. Điều đáng nói là nhiều hộ nuôi đúng quy trình kỹ thuật theo khuyến cáo, như: Anh Vũ Văn Lệ, anh Bùi Văn Trọng... ngao cũng bị chết hàng loạt. Nguyên nhân ở đây phần lớn là do nguồn nước bị ô nhiễm ở sông Lèn đổ xuống, độ mặn nước biển khi thủy triều lên quá cao khiến ngao chết hàng loạt.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, giai đoạn 2012 - 2014, diện tích vùng triều nuôi ngao ở xã Đa Lộc lên tới hơn 400 ha với 294 hộ nuôi. Nhưng đến nay chỉ còn chưa đến một nửa số hộ duy trì, diện tích giảm còn hơn 200 ha. Nguyên nhân do đặc thù là vùng cửa sông Lèn nên mỗi khi mưa bão, lượng bùn đổ xuống nhiều làm lấp bãi nuôi ngao, trong khi đó vốn cải tạo bãi nuôi bỏ ra lớn nên người nuôi bỏ nghề. Một nguyên nhân nữa là do dịch bệnh làm ngao chết hàng loạt khiến nhiều hộ gia đình lâm vào cảnh trắng tay, điển hình, như: Hộ anh Vũ Ngọc Cảnh, thôn Ninh Phú từng đầu tư 10 tỷ đồng để cải tạo với diện tích 10ha nuôi ngao, khi thu hoạch ngao chết gần hết và không đủ tiền để trả nợ...
Ông Phạm Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Lộc, cho biết: Thực tế cho thấy nghề nuôi ngao ở địa phương thiếu tính bền vững, do đặc thù là vùng cửa sông nên tầng cát mỏng; nguồn nước ngày càng ô nhiễm do các hoạt động sản xuất, chăn nuôi và rác thải sinh hoạt; vốn đầu tư và kỹ thuật nuôi còn hạn chế. UBND xã cũng đã rà soát diện tích nuôi ngao và đưa vào kế hoạch sản xuất 200 ha. Đối với các diện tích không đủ điều kiện, xã cũng nhiều lần khuyến cáo người dân không đầu tư thả nuôi, để phát triển trồng rừng ngập mặn.
Đối với người nuôi ngao tại huyện Nga Sơn lại phải đối mặt với sâu biển ăn ngao (chủ yếu ngao giống). Cũng trong dịp cuối tháng 3, đầu tháng 4-2019, tại bãi nuôi ngao của hộ ông Vũ Văn Kim, diện tích khoảng 2 ha bị sâu biển ăn với tỷ lệ thiệt hại khoảng 70%. Trong những câu chuyện kể về nghề nuôi ngao, bà con ở các xã Hải Lộc, Minh Lộc, Đa Lộc (Hậu Lộc), Quảng Nham (Quảng Xương), Hải Châu (Tĩnh Gia) đều “kêu” khó nhất hiện nay là việc xây dựng khâu liên kết giữa phát triển nguồn giống, nuôi thương phẩm và tiêu thụ sản phẩm. Khi diện tích nuôi ngao được mở rộng thì vấn đề nguồn giống ngao mới là vấn đề đáng lo ngại. Trong khi nguồn ngao giống từ tự nhiên ngày một cạn kiệt, các hộ nuôi phải mua con giống từ các tỉnh Thái Bình, Nam Định, thậm chí các tỉnh miền Nam. Mặt khác, do không tiếp cận được giống có nguồn gốc chất lượng nên người nuôi ngao ở đây luôn bị đẩy vào thế bị động, lệ thuộc vào thương lái. Mặc dù, ở tỉnh ta đã có một số hộ đầu tư ương ngao giống, nhưng người nuôi vẫn phải nhập giống về thả nuôi. Theo lý giải của các hộ nuôi, việc ương giống ngao tại chỗ không đáp ứng đủ nhu cầu trên địa bàn tỉnh. Một phần kỹ thuật để thực hiện tất cả các công đoạn ương nuôi ngao giống và các bãi ương nuôi còn hạn chế. Trong khi bài toán về nguồn cung ngao giống chưa được giải quyết thì người nuôi ngao vẫn còn gặp nhiều rủi ro khi mua phải những lô giống không bảo đảm chất lượng. Những năm gần đây, thị trường tiểu ngạch xuất bán ngao thương phẩm sang Trung Quốc bỗng dưng đóng cửa; thương lái từ chối thu mua ngao số lượng lớn, chỉ thu mua cung cấp cho thị trường trong tỉnh và một số tỉnh phía Nam.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 1.313 ha nuôi ngao tập trung ở các vùng triều thuộc các huyện Nga Sơn, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Hậu Lộc và Tĩnh Gia. Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, khi phần lớn người nuôi ngao ở các vùng triều còn nghèo, còn thụ động trong sản xuất thì các sở, ngành có liên quan của tỉnh, chính quyền địa phương cần hỗ trợ bà con về kỹ thuật nuôi, nguồn vốn để đầu tư cải tạo vùng nuôi. Về lâu dài, cần xây dựng chiến lược sản xuất bằng việc xây dựng vùng ương nuôi, xây dựng thương hiệu, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.