Ông Nguyễn Văn Khang ở khu 11, phường Hà An, TX Quảng Yên là người đầu tiên đưa con tôm sú ra vùng bãi bồi lau sậy ở Hà An để nuôi cách đây 20 năm. Từ sự thành công trong mô hình của ông nhiều ngư dân đã học tập xây dựng ao đầm nuôi tôm làm thay đổi cơ cấu kinh tế của địa phương đem lại sự đổi thay rõ rệt cho bộ mặt nông thôn. Ông đã được các hộ nuôi tôm tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Nghề cá Hà An nhiều năm liền, được nhận nhiều bằng khen của UBND tỉnh, Hội Nghề cá Việt Nam và bằng khen của Chính phủ.
Nhân kỷ niệm 60 năm truyền thống ngành thủy sản Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Khang.
Ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch Hội Nghề cá phường Hà An.
- Thưa ông, ông có thể kể lại cái thời gian khó ra phát lau sậy để đưa con nuôi tôm vào nuôi ở vùng đất này?
+ Bây giờ anh ra đây, chỗ này gọi là khu dự án thủy sản ao đầm mênh mông quy hoạch đâu ra đấy chứ năm 1993 anh mà về thì không có lối mà đi. Năm đó mỗi mình nhà tôi ra đây chẳng khác gì ra hoang đảo. Cây cối lau sậy um tùm. Bốn bề là cây cỏ dại và nước. Chỉ có một chỗ bé tí rộng vài sào là có mặt nước trắng do cá đã ăn bớt cỏ đi rồi. Đầu tiên tôi xin xã thầu được khoảng 1ha. Tôi phát cỏ, lội bùn xắn từng hòn đất để đắp bờ quây thành đầm. Toàn đắp bằng thủ công chẳng có máy móc gì mệt mỏi lắm. Có 3 triệu rưỡi tiền vốn đem thuê đắp bờ đầm hết vẫn chưa xong, còn lại mình tự làm.
Thời đó điện đóm chẳng có phải đốt đèn măng-sông hoặc đèn chai bà con cũng chẳng ai dám ra làm kinh tế. Một mình giữa chốn hoang vu này vợ con nhiều đêm cũng cám cảnh lo sợ. Người dân quê và cả lãnh đạo nữa cũng không tin nổi tôi sẽ thành công ở trên đất này. Ngay cả gia đình tôi cũng không ủng hộ việc làm này, nhưng tôi nói nếu tâm huyết thì mình sẽ làm tốt và có hiệu quả. Thế là tôi quyết tâm và cố gắng làm bằng được. Tôi đặt ra kế hoạch làm trong vòng 3 năm, nếu thua lỗ, tôi sẽ bỏ nơi này đi vào miền Nam sinh sống.
- Khi đã quây bờ đắp đập thành đầm rồi thì ông bắt đầu nuôi tôm như thế nào?
+ Ban đầu, tôi chủ yếu mở cửa cống hứng tôm cá tự nhiên vào để khai thác. Đến năm 2001, đánh liều một phen tôi dốc vốn liếng của nhà vay mượn thêm anh em bạn bè để đi mua con giống tôm sú về nuôi. Tôi mua được 5 vạn tôm giống. Thời đó cứ 1 vạn tôm giống có giá 1,2 triệu đồng. Chủ trại giống đong vào 1 chén mắt trâu rồi bảo 1 vạn. Thú thực lúc đó tôi cũng chẳng biết con giống tôm sú nó thế nào, nuôi nó cho ăn gì, tính trọng lượng tôm theo hoa thì hai hoa, ba hoa là ra làm sao. Tôi mang tôm giống về đổ xuống đầm mấy cái chén mắt trâu ấy chẳng khác gì muối bỏ biển. Nói thực là rất lo lắng nhưng đã đâm lao thì phải theo lao. Cả vùng chẳng ai nuôi tôm cả chưa có ai biết cách nuôi thế nào, cho tôm ăn gì. Có người mách tôi về xé màn ra quây lại thả xuống đầm rồi rang cám cho tôm ăn. Tôi cũng cứ thế làm theo. Liều vậy mà được. Làm chơi mà hóa ra ăn thật.
- Thành quả của sự liều lĩnh như ông nói là gì vậy?
+ Mấy tháng sau khi thả giống, tôi thả thử cái đó xuống. Vài tiếng sau rủ thêm một người em nữa ra vớt. Ai ngờ, hai anh em khệ nệ nhắc đó lên thuyền. Cơ man nào là tôm đầy ứ một chiếc. Đầy đến nỗi tụt đáy chiếc đó ấy ra. Hai anh em nhấc lên thuyền làm thuyền chòng chành suýt chút nữa thì đắm. Chiếc đó năm ấy ước chừng được 50 cân tôm. Chúng tôi nhìn nhau mừng đến rơi nước mắt. Ngay hôm sau tôi lên huyện (lúc đó TX Quảng Yên còn là huyện Yên Hưng - PV) báo cáo lãnh đạo huyện và các phòng ban là tôi đã nuôi tôm sú thành công ở vùng bãi bồi chua mặn toàn sú lau lách ấy. Các vị ấy vẫn không tin tưởng tôi nói chơi nhưng trước sự quả quyết của tôi đã quyết định tối nay sẽ xuống kiểm tra. Tối các vị ấy đến thật đi theo cả báo chí quay phim mang theo đèn đuốc sáng trưng. Khi tôi vớt tôm lên mọi người mới vỡ òa trong niềm hạnh phúc bởi đã tìm ra được hướng đi cho vùng đất ngập nước này.
- Điều gì đã giúp ông thành công theo kiểu “làm chơi mà ăn thật” như vậy, thưa ông?
+ Lúc tôi nuôi tôm vùng này còn hoang sơ lắm, chất phù du trong nước quá nhiều vì thế tôi chưa biết cho tôm ăn thì tôm vẫn tự lớn dựa vào nguồn thức ăn tự nhiên. Thêm nữa, vì có một mình tôi nuôi nên vùng này môi trường nước quá trong lành chưa hề biết ô nhiễm môi trường là gì cả. Chuyện nuôi tôm bây giờ đã thay đổi lắm rồi. Liều lĩnh như tôi cách đây 20 năm thì chắc là... phá sản đầu nước.
- Hướng đi như trên ông đã nói là gì?
+ Vụ tôm năm đó tôi thu được 78 triệu đồng. Số tiền rất lớn với tôi vào thời điểm đó. Có tiền rồi tôi đầu tư mở rộng ao đầm, thuê máy xúc về đắp bờ kiên cố; mua thêm con giống để mở rộng diện tích nuôi, tìm sách báo để đọc tìm các lớp tập huấn để theo học về kỹ thuật nuôi tôm, tìm mua thức ăn cho tôm. Từ mô hình nuôi tôm thành công của tôi, địa phương đã quy hoạch vùng này thành khu dự án nuôi tôm. Nhiều hộ đã mạnh dạn ra đây thầu bãi sú đắp bờ thành ao đầm nuôi như gia đình tôi. Cá biệt có hộ từ mãi Bắc Ninh cũng về đây học tập kỹ thuật nuôi tôm sú. Năm 2003, để hỗ trợ nhau cùng nuôi tôm chúng tôi đã thành lập hội nghề cá của xã (lúc đó Hà An còn là xã của chưa lên phường - PV). Tôi được anh em tín nhiệm bầu làm chủ tịch hội nghề cá này.
- Thưa ông, như ông vừa đề cập, Hội Nghề cá phường Hà An đã hỗ trợ anh em hội viên như thế nào?
+ Hội chúng tôi hiện có 30 hội viên. Toàn bộ đều nuôi tôm không ai đánh bắt khai thác ngoài khơi. Hộ nào nuôi nhiều cũng có khoảng gần 10ha hộ ít nhất cũng khoảng 1ha. Chúng tôi hỗ trợ vốn không lấy lãi cho anh em, kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi tôm thì mình biết đến đâu truyền đạt cho anh em đến đó. Anh em nào nuôi tôm hiệu quả cao thì ủng hộ cổ vũ, những ai thất bại thì đến động viên, chia sẻ phân tích nguyên nhân giúp anh em khắc phục trong những vụ tới.
- Hiện tại hộ gia đình ông đang nuôi như thế nào?
+ Chúng tôi đã không còn nuôi tôm sú kiểu quảng canh nữa mà chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng theo kiểu công nghiệp. Tôm thẻ chân trắng hiệu quả cao hơn, thời gian thu hoạch một vụ ngắn chỉ khoảng 80 ngày. Vì thế lợi nhuận từ tôm thẻ chân trắng cũng rất cao. Tổng diện tích ao đầm của tôi khoảng 7ha. Năm trước tôi thu hoạch được trên 8 tấn tôm với giá bán khoảng 150.000 đồng/kg thu lãi trên 1 tỷ đồng. Đấy là chưa kể trên 1 tấn cua bán với giá 55.000 đồng/kg. Nhìn chung, khoảng 3 năm nay, vùng này nuôi tôm được mùa. Tôi còn một ao tự nhiên cấp nước cho 156ha ao nuôi của 98 hộ trong vùng. Trước đây, tôi cải tạo khử trùng, diệt tạp, tạo màu nước để nuôi cá vược mỗi năm cũng thu được khoảng 400 triệu đồng. Hiện nay, nguồn lợi từ ao này rất lớn trong khi không phải đầu tư vốn giống mà ngày nào cũng có tôm cá tự nhiên để bán. Chúng tôi còn nuôi hàu ở đầm tự nhiên này. Sau Tết thanh minh gia đình tôi sẽ thả giống cho vụ năm nay cả tôm và cua. Công việc nhiều nên gia đình tôi phải thuê thêm 5 lao động thời vụ để hỗ trợ.
Ông Khang giới thiệu mô hình nuôi cá vược. Ảnh: Như Hoa (CTV).
- Đối tượng nuôi thay đổi, môi trường thay đổi thì kỹ thuật cũng phải đầu tư nhiều hơn, không thể làm chơi ăn thật nữa đúng không, thưa ông?
+ Đúng vậy. Bây giờ mà chỉ cần làm ăn lơ đãng một chút là sạt nghiệp. Bởi nuôi tôm thẻ chân trắng lợi nhuận cao nhưng nếu rủi ro mà mất mùa thì cũng thiệt hại cực lớn vì chi phí đầu tư vốn giống thức ăn rất cao. Môi trường nước cũng thay đổi vì vậy mình phải theo dõi sát sao. Tuy 1 vụ tôm chỉ có 80 ngày, 1 năm nhà tôi cũng chỉ nuôi 1 vụ nhưng quá trình chuẩn bị cũng phải làm cẩn thận. Sau khi thu hoạch ao nuôi chúng tôi phải bơm cạn nước, vệ sinh phơi khô đáy ao, phủ bạt đáy ao và thành ao rồi đắp bờ cải tạo ao đầm nuôi tôm v.v.. Trong quá trình nuôi, chúng tôi thường xuyên phải kiểm tra chất lượng nguồn nước, đo độ pH, độ mặn của nước để điều chỉnh cho phù hợp; phòng và chống dịch bệnh cho tôm nuôi, thường xuyên tổ chức các hội thảo đầu bờ, tham gia các lớp tập huấn nuôi tôm, mời kỹ sư thủy sản về để chuyển giao kỹ thuật mới cho chúng tôi.
Công việc nuôi tôm của nhà tôi đã bàn giao bớt cho con trai nhưng vẫn phải theo dõi sát sao. Bây giờ nuôi trồng thủy sản con giống thì tốt rồi chất lượng cao rồi khoa học kỹ thuật cũng áp dụng nhiều nhưng cái quyết định vẫn là con người. Điều đó lý giải vì sao không phải ai nuôi tôm cũng thành công.