Diễn đàn nhằm đưa ra các giải pháp khắc phục khó khăn, giảm thiệt hại cho người nuôi cá nước ngọt ở các tỉnh phía Bắc.
Phát triển diện tích nuôi quá nhanh
Theo số liệu của Viện Nuôi trồng thủy sản, tính đến năm 2012, diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt ở các tỉnh phía Bắc là 163.251ha (bằng 76% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn vùng), sản lượng đạt 418.329 tấn, chiếm 73% tổng sản lượng thủy sản nuôi toàn vùng. Nhiều mô hình hiệu quả cao như mô hình nuôi cá tầm ở Thái Nguyên; nuôi ghép cá trắm cỏ tại Hưng Yên; nuôi cá - lúa tại Hải Phòng…
Tuy nhiên, việc phát triển nhanh diện tích nuôi trồng thủy sản hiện nay không theo quy hoạch đã làm cho nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng, tạo điều kiện cho các loại dịch bệnh bùng phát gây ảnh hưởng rất lớn đến nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt trên địa bàn các tỉnh miền Bắc.
Ông Kim Văn Vạn (khoa Chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội) cho rằng, hiện nay nguồn nước sử dụng trong ao nuôi cá nước ngọt chủ yếu dùng chung nguồn nước thủy nông nên cá rất dễ bị ảnh hưởng xấu từ thuốc trừ sâu trị bệnh cho cây trồng. Hệ thống nuôi thiết kế không đồng bộ, nuôi cá truyền thống là chính với hình thức nuôi ghép 3-4 loài và nuôi mang tính tận dụng kết hợp chăn nuôi trên cạn theo hệ thống VAC nên khi cá bị bệnh, việc xử lý bệnh gặp nhiều khó khăn.
Ông Vạn đưa ra dẫn chứng cụ thể: Đối với ao nuôi ghép cá truyền thống thường thả các loài cá mè, cá trôi, cá trắm cỏ, cá chép, cá rô phi. Nhưng mấy năm gần đây, cá rô phi thường bị bệnh lồi mắt do nhiễm liên cầu khuẩn Streptococcus sp. và làm chết rất nhiều vào các tháng mùa hè. Do đặc thù ao nuôi ghép nên khi xử lý bệnh cho cá rô phi bằng biện pháp trộn thuốc vào thức ăn lại phải tính liều cho các loài cá khác không bị bệnh. Đây là vấn đề không đơn giản, vừa tốn kém, hiệu quả lại thấp.
Tăng cường hướng dẫn người nuôi
Bắc Ninh là một trong những tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, trong đó có hỗ trợ sản xuất nuôi trồng thủy sản và quy hoạch hình thành các vùng nuôi cá tập trung thâm canh quy mô lớn. Hiện toàn tỉnh có 165 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung với quy mô từ 10ha trở lên, nhưng mấy năm gần đây nhiều vùng nuôi xảy ra cá chết quanh năm do ảnh hưởng trực tiếp nước thải từ các khu công nghiệp, làng nghề, khu chăn nuôi, giết mổ tập trung.
Mặt khác, đa phần người nuôi chưa chưa có biện pháp phòng trị bệnh cho cá kịp thời, chỉ đơn thuần áp dụng biện pháp bón vôi cải tạo môi trường và thay nước. Nhiều hộ nuôi khi cá chết còn giấu bệnh, bán tháo cho thương lái, đổ nước thải nhiễm bệnh ra kênh chung của khu vực dẫn đến lây lan phát tán nhanh, làm toàn vùng nuôi cá mắc bệnh.
Ông Nguyễn Minh Hiếu - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bắc Ninh đề nghị, thời gian tới cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng làm công tác quản lý nhà nước về nuôi trồng, thú y thủy sản và an toàn vệ sinh thực phẩm, để hướng dẫn người nuôi có biện pháp phòng trị và quản lý tốt dịch bệnh. Đồng thời, sớm có chính sách đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đứng ra bao tiêu sản phẩm thủy sản cho người nuôi.
Tại diễn đàn, nhiều ý kiến của bà con nông dân xung quanh việc phòng, trị bệnh cho cá nước ngọt đã được các chuyên gia, nhà khoa học giải đáp. Thạc sĩ Nguyễn Thị Hà- Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc cảnh báo môi trường (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1) khuyến cáo: Việc chẩn đoán bệnh cho cá rất quan trọng, vì chẩn đoán chính xác, đúng bệnh sẽ đưa ra giải pháp phòng trị bệnh hiệu quả. Tại Việt Nam, ngoài sản xuất thành công các chế phẩm sinh học, hiện nay các nhà khoa học đã tạo ra hỗn hợp nhiều loại thảo dược như lá xoan, tỏi, cây chó đẻ răng cưa… nhằm hạn chế tác nhân gây bệnh trên cá nước ngọt, không để lại dư lượng ảnh hưởng đến sức khỏe con người.