Do diện tích thả nuôi không ngừng tăng nhanh, sản lượng cá thành phẩm xuất bán ra thị trường ngày một nhiều đã gây ra tình trạng cung vượt cầu ở cá rô đầu vuông, làm giá cá rớt thê thảm. Không chỉ vậy, người nuôi còn gặp không ít khó khăn do dịch bệnh xuất hiện nhiều hơn trước nên kéo theo giá thành sản xuất tăng cao. Người nuôi bắt đầu thua lỗ và phong trào nuôi cá rô đầu vuông cũng từ đó tiêu điều…
Lời ít, lỗ nhiều
Theo tính toán của ngành chuyên môn, để có được 1kg cá thịt thì người nuôi phải đầu tư gần 23.000 đồng, nhưng giá bán ở thời điểm hiện tại chỉ từ 19.000-20.000 đồng/kg, nghĩa là người nuôi lỗ khoảng 3.000 đồng/kg cá. Như trường hợp của ông Nguyễn Văn Ninh, ở ấp 2, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, năm 2009, gia đình ông bắt đầu đào ao nuôi cá rô đầu vuông với diện tích khoảng 1.000m2, sau 5 tháng chăm sóc, lứa cá đầu tiên đạt năng suất 9 tấn, bán với giá 28.000 đồng/kg, đã mang về lợi nhuận trên 100 triệu đồng. Thế nhưng, niềm vui mà ông hưởng chỉ ở hai vụ đầu, còn bốn vụ gần đây thì toàn thua lỗ với số tiền lên đến vài trăm triệu đồng, vượt xa con số lợi nhuận trước đây.
Hiện tại, vụ cá đang nuôi của gia đình ông Ninh đã đến thời điểm thu hoạch với trọng lượng 4 con/kg, ước năng suất đạt khoảng 14 tấn cá. Nhưng thương lái thu mua với giá thấp hơn nhiều so với giá thành đầu tư, nên ông Ninh ước đoán vụ cá này phải tiếp tục lỗ gần 100 triệu đồng. Hiện tại, ông đã nợ ngân hàng trên 300 triệu đồng vì con cá rô đầu vuông. Ông Ninh buồn rầu, nhớ lại: “Lúc đầu thấy nhiều người ở xã Vĩnh Thuận Tây nuôi cá rô đầu vuông mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên gia đình tôi mới đào ao nuôi theo. Nhưng không ngờ lại lâm vào tình cảnh như hiện nay!”.
Còn ông Hồ Hải Hồng ở cùng ấp cũng “bi đát” không kém vì theo cá rô đầu vuông. Giữa năm 2009, ông Hồng thả nuôi trên diện tích 1.300m2, thu về lợi nhuận khá. Nhưng kể từ vụ nuôi đó, giá cá liên tục giảm, gia đình ông bị thua lỗ nặng nề, nợ nần chồng chất. Tuy bị thua lỗ, nhưng ông Hồng vẫn quyết định đầu tư vào ao cá, mong muốn sẽ có được một vụ nuôi thắng lợi. Theo ông Hồng, do mọi người đang “nản” với loại cá này dẫn đến diện tích thả nuôi giảm đáng kể nên giá cá sẽ có chuyển biến tích cực trong thời gian tới. Không chỉ có nuôi cá, ông Hồng còn chăn nuôi heo để có thêm nguồn thu nhập nhằm trả bớt số nợ lên đến hàng trăm triệu đồng do đầu tư vào cá rô đầu vuông.
Theo ngành chuyên môn và người nuôi cá, kể từ khi có thông tin sai lệch ăn cá rô đầu vuông bị bệnh ung thư thì người tiêu dùng đã quay lưng với loài thủy sản này. Cộng thêm, những năm gần đây cá rô thường nhiễm một số bệnh như sốt huyết đường ruột, đốm nhớt… nên giá thành sản xuất tăng thêm làm cho người nuôi phải thua lỗ. Tuy có thời gian giá cá tăng trở lại, nhưng cá rô đầu vuông vẫn không thể quay về “thời vàng son” của 3-4 năm trước. Theo Chi cục Thủy sản Hậu Giang, chính sự phát triển quá nhanh làm cho cung vượt cầu, cá bị dư thừa trên thị trường. Kết quả, người nuôi cá rô ở Hậu Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung bị lỗ do giá cá rớt quá nhanh, có lúc giá cá thương phẩm chỉ còn 15.000-17.000 đồng/kg (loại 10 con/kg), chưa kể đến việc nuôi ồ ạt dẫn đến môi trường ô nhiễm, cá bị bệnh, hao hụt lớn, thu hoạch không đạt năng suất. Bên cạnh đó, giá các nguyên liệu đầu vào đều tăng dẫn đến giá thành sản phẩm tăng. Thời gian qua, mặc dù giá cá có nhích lên, nhưng người nuôi vẫn chưa có lợi nhuận. Nguyên nhân do đây là đối tượng chủ yếu tiêu thụ nội địa, trong khi người nuôi tập trung và cho thu hoạch đồng loạt với sản lượng lớn nên không tiêu thụ kịp. Bên cạnh đó, còn có một số nguyên nhân khác như: do thị hiếu người tiêu dùng, chi phí vận chuyển cao, cạnh tranh sản lượng từ các tỉnh khác, bị thương lái ép giá…
Kiệt quệ đến “treo ao”
Trước những “biến cố” khôn lường do cá rô đầu vuông mang lại, không còn cách nào khác là buộc người nuôi phải “treo ao” để tự bảo vệ mình. Thậm chí, ngay cả những người từng được mệnh danh là “vua cá” cũng phải chọn giải pháp không mong muốn này. Ông Hai Khải (Nguyễn Văn Khải, ở ấp 5, xã Vĩnh Thuận Tây), một trong những “vua cá rô đầu vuông” nổi tiếng một thời với 2 ao cá rộng 3.000m2 từng mang về cho gia đình ông lợi nhuận vài tỉ đồng, nay đã san lấp 1 ao để trồng lúa, ao còn lại cũng “treo” vì ông không dám mạo hiểm với cá rô đầu vuông. Ông Hai Khải bất đắc chí cho biết: “Hiện tại, gia đình tôi đã chuyển sang nuôi rắn, nuôi trăn… chứ không thể nuôi cá nữa. Bởi, nếu nuôi cá rô đầu vuông hiện nay thì không khác gì tự tìm đến thua lỗ”.Còn ông Ba Quốc cũng phải ngậm ngùi bỏ trống ao trên một năm nay do ảnh hưởng của thị trường. Sau những vụ nuôi thắng lớn đã mang về vài tỉ đồng cho gia đình, thì 2 vụ còn lại đều bị thua lỗ với số tiền khoảng 300 triệu đồng. Dù muốn gắn bó với cá rô đầu vuông, nhưng vua cá Ba Quốc cũng đành phải lực bất tòng tâm. Trong khi ông Nguyễn Hùng Anh một thời mệnh danh là vua cá đang phải lận đận với loài thủy sản từng được mệnh danh là con “cá vàng”.
Giống như những người khác, ông Hùng Anh cũng thu lợi nhuận cao từ những vụ nuôi đầu tiên, nhưng kể từ năm 2010, ông bắt đầu thua lỗ cho đến nay tính ra cũng 4-5 vụ liên tục, số tiền lên đến cả tỉ đồng. Ông Hùng Anh cho biết: “Khi mới lỗ vụ đầu khoảng trên 100 triệu đồng, tôi không nản chí mà vẫn tiếp tục thả nuôi hy vọng sẽ “thay đổi thời cuộc” ở những vụ kế tiếp. Nhưng càng nuôi càng lỗ và số nợ cũng vì thế mà không ngừng tăng lên”. Hiện nay, ông Hùng Anh không còn mặn mà và muốn gắn bó với loại thủy sản này nữa nên quyết định “treo ao”. Nghỉ nuôi cá ở quê nhà là xã Vĩnh Thuận Tây, ông Hùng Anh sang tận huyện Phụng Hiệp trồng mít Thái, hy vọng có thể “đổi đời” với loại cây trái này.
Còn ông Nguyễn Văn Nhờ, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, một hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi tất cả 3ha đất lúa để nuôi cá rô đầu vuông cũng đang phải ngậm ngùi “treo ao”. Nhìn ao cá bỏ không, ông Nhờ nuối tiếc: “Cũng vì “liều lĩnh” chạy theo cá rô đầu vuông nên mới lâm vào cảnh nợ nần. Hiện gia đình tôi đang nợ gần 1 tỉ đồng, với điều kiện hiện nay thì khó có thể giải quyết nổi”.
Theo bà Trần Hồng Tim, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vị Thủy, thời điểm cá “hút hàng” thì diện tích thả nuôi trong huyện lên đến 70ha, nhưng hiện tại chỉ còn trên 10ha, tập trung chủ yếu ở xã Vĩnh Thuận Tây, Vĩnh Trung và Vĩnh Tường. Nguyên nhân là do người dân thua lỗ, phải chuyển đổi đất nuôi cá trước đây sang thả nuôi loại thủy sản khác hoặc san lấp lại để trồng lúa.
Quả thật, người nuôi cá rô đầu vuông trong tỉnh hiện nay đang lâm vào tình cảnh bế tắc. Vì lực hấp từ lợi nhuận của mấy vụ nuôi đầu tiên, đã có không ít nông dân đã chuyển đổi tất cả đất trồng lúa sang nuôi cá. Giờ đây, khi cá rô đầu vuông đã “hết thời”, họ bị thua lỗ, nợ nần và khó tìm được cách để thoát thân. Một là, phải tiếp tục sản xuất để nuôi hy vọng về một cuộc “lội ngược dòng” ngoạn mục. Hai là, họ phải san lấp ao để trồng lại lúa hoặc nuôi các loài thủy sản khác. Tuy nhiên, với thu nhập không cao từ loài thủy sản này hiện nay thì biết đến chừng nào người nuôi cá trước đây mới trang trải hết nợ nần. Những người nuôi cá rô đầu vuông đang chờ một lối thoát…