Năng suất cao
Ông Nguyễn Thành Đen (xã Cam Hải Đông) nuôi hàu Thái Bình Dương từ năm 2015. Ban đầu, vì nuôi chưa đúng kỹ thuật, bên cạnh đó điều kiện thời tiết mưa nhiều, ảnh hưởng đến nguồn nước, nên việc nuôi không đạt hiệu quả, hàu chết hàng loạt. Không nản chí, ông vay mượn khắp nơi để tiếp tục nuôi, đồng thời dần cải tiến kỹ thuật nuôi từ cột dây phao chuyển sang cột trên lồng bè, giúp hàu phát triển ổn định. Sau 2 năm thua lỗ, đến đầu năm 2017, hàu bắt đầu phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế. Ông có 8 bè hàu, mỗi bè đầu tư khoảng 6 triệu đồng, ông thu được khoảng 2 tấn hàu/bè. Với giá bán dao động từ 30.000 đến 35.000 đồng/kg, ông lời khoảng 25 triệu đồng/bè. Giờ đây, ông đã có thu nhập trung bình hơn 100 triệu đồng/năm từ hàu, giúp gia đình có cuộc sống ổn định hơn. “Bây giờ, tôi đang chuẩn bị đóng thêm 5 bè nữa, tăng diện tích sản xuất và sản lượng để tìm nguồn tiêu thụ ổn định, lâu dài”, ông Đen cho hay.
Gần đó, ông Huỳnh Ngọc Tấn - người dân thôn Thủy Triều cũng đang đóng thêm 2 bè nuôi hàu, nâng tổng số lên 5 bè. Ông Tấn cho biết, hiện nay, 3 bè hàu của ông đang có hơn 1.400 rổ (trung bình mỗi rổ từ 30 đến 40 con) đến thời điểm thu hoạch. Nếu thời tiết thuận lợi, hàu bán tốt, thu nhập của gia đình đạt từ 11 đến 12 triệu đồng/tháng.
Do có thu nhập ổn định nên những hộ nuôi hàu đều muốn phát triển thêm, song họ lại lo ngại đầu ra sản phẩm sẽ bấp bênh, phụ thuộc vào các đầu nậu thu mua; bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ đa phần là các nhà hàng nhỏ, quán ăn... Vì thế, người dân mong muốn có một hợp tác xã để tạo được thương hiệu, giúp đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm.
Không nên mở rộng diện tích
Theo bà Nguyễn Thị Nhặn - Phó Trưởng trạm Khuyến công - nông - lâm - ngư huyện Cam Lâm, trên địa bàn huyện hiện có khoảng 10 hộ gia đình nuôi hàu Thái Bình Dương trên đầm Thủy Triều, tập trung ở 2 xã Cam Hải Đông và Cam Hải Tây. Trong đó, có 3 - 4 gia đình nuôi với số lượng lớn, số còn lại chỉ nuôi nhỏ lẻ. Khoảng 2 năm gần đây, việc nuôi hàu của người dân gặp nhiều thuận lợi chủ yếu nhờ thời tiết, không mưa quá nhiều, giúp hàu sinh sôi, nguồn thức ăn cũng phong phú, phù hợp với việc phát triển của loài nhuyễn thể 2 mảnh vỏ.
Bà Nhặn cho rằng, tuy lợi ích kinh tế mang lại ổn định, tạo thu nhập cho các gia đình, nhưng địa phương không khuyến khích việc nhân rộng mà chỉ dừng lại ở mức duy trì. Bởi diện tích đầm không lớn, nếu mật độ nuôi nhiều sẽ không đảm bảo được vấn đề nguồn nước và môi trường, cùng với đó, đầu ra của sản phẩm còn bấp bênh, nếu nuôi nhiều sẽ dẫn đến cung vượt cầu nhiều. Trước đây, UBND xã Cam Hải Đông cũng có đề xuất thành lập hợp tác xã nuôi hàu để thuận lợi đầu ra sản phẩm cho người dân, nhưng số lượng người tham gia không đủ. Bên cạnh đó, đầm Thủy Triều không quy hoạch mở rộng vùng nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, địa phương khuyến cáo người dân nên duy trì tốt mô hình, không nên ồ ạt mở rộng.
Hàu Thái Bình Dương có nguồn gốc từ Nhật Bản, ưu điểm là tốc độ sinh trưởng nhanh hơn, vòng đời chỉ mất khoảng 4 tháng có thể xuất bán, trong khi hàu bản địa mất thời gian lâu hơn; bên cạnh đó, kích thước, khối lượng cơ thể loại hàu này lớn hơn, giúp mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Hình thức nuôi phổ biến hiện nay là treo dây lơ lửng trong môi trường nước, hàu có thể tự ăn thức ăn trong môi trường, khi hàu được 2,5 tháng, chuyển hàu về nuôi trong các rổ nhựa, treo trong môi trường nước đến khi trưởng thành.