Hơn 7 năm trước, những người tâm huyết nghề nông đã bắt tay cùng nhau xây dựng HTX nuôi tôm công nghiệp Nhị Nguyệt. Ban đầu chỉ có 15 thành viên tham gia, với diện tích chưa đầy 30 ha. Những năm qua, HTX này ngày càng ăn nên làm ra và không ngừng lớn mạnh.Tính đến nay HTX đã có 160 xã viên, tổng diện tích 131 ha. Sản lượng làm ra hàng năm lên đến 1 ngàn tấn tôm các loại, đem về nguồn thu từ 70 – 90 tỷ đồng/năm, và mốc doanh thu 100 tỷ/năm dường như hiện hữu.
Đồng lòng giúp nhau
Ông Trần Văn Của, Chủ nhiệm HTX nuôi tôm công nghiệp Nhị Nguyệt, vui mừng cho biết, nhờ áp dụng tiến bộ KH-KT, SX đúng với quy trình nên những năm qua HTX nuôi tôm công nghiệp Nhị Nguyệt luôn thu về lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước.
Điều đáng mừng là HTX đang trở thành mô hình kinh tế điển hình của huyện Đầm Dơi nói riêng và của tỉnh Cà Mau nói chung. Đời sống về tinh thần, vật chất của hàng trăm xã viên ngày một nâng cao.
Ông Của chính là người tiên phong cho phong trào nuôi tôm công nghiệp ở huyện Đầm Dơi trước khi HTX nuôi tôm công nghiệp Nhị Nguyệt ra đời. Nguyên là đại tá, Đại biểu Quốc hội, sau khi về nghỉ hưu ông Của bắt đầu đi tham quan, học hỏi nhiều mô hình hay, hiệu quả để áp dụng SX ngay trên vùng đất quê nhà thuộc ấp Nhị Nguyệt.
“Sau khi đến học hỏi mô hình nuôi tôm công nghiệp của Cty TNHH Nam Sương liên doanh với Thái Lan cho hiệu quả kinh tế cao, tôm nuôi ít bị bệnh, mau lớn ở kinh xáng Đội Cường (xã Tân Hưng, huyện Cái Nước), qua đối chiếu với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương, tôi nhận thấy vùng đất này có thể nuôi được tôm công nghiệp.
Thế là từ năm 2002 tôi bắt tay vào nuôi 6 đầm tôm, đến khi thu hoạch năng suất đạt cao bất ngờ. Từ đó người dân trong vùng liên tiếp đến học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm để làm theo. Con số này ngày càng đông nên tôi và một số anh em đã nảy sinh ý tưởng thành lập HTX, với mục đích cao nhất là chuyển giao KH-KT cho bà con để cùng nhau làm giàu”. Ông Của nhớ lại.
Từ những thành công bước đầu, ông Của mạnh dạn đề nghị ngành chức năng hỗ trợ để phát triển mô hình. Được sự giúp đỡ của Sở Thủy sản cũ (nay là Sở NN-PTNT) bản thân ông Của và nhiều hộ nuôi tôm trong vùng được tập huấn kỹ thuật nuôi tôm công nghiệp.
Khi được các cấp có thẩm quyền công nhận, tạo cơ sở pháp lý để HTX vay vốn ngân hàng mở rộng sản xuất, việc làm ăn của các xã viên ngày càng đi lên. Ngay trong năm đầu tiên thành lập (2006), tổng doanh thu đạt 4,2 tỷ đồng, trừ chi phí đạt lợi nhuận 1,2 tỷ đồng (bình quân trên 81 triệu đồng/xã viên/năm); đến năm 2009 nuôi 83,3 ha, sản lượng 461 tấn, lợi nhuận 7,5 tỷ đồng.
Năm 2010, số thành viên của tổ nâng lên 72 người, với diện tích nuôi tôm 95,8 ha và sau vụ thu hoạch đầu tiên hồi cuối tháng 7, đạt sản lượng 550 tấn, lợi nhuận thu về hàng chục tỷ. Nhờ vậy, HTX đã phát triển không ngừng cho đến hôm nay.
Cách thức tổ chức của HTX hết sức bài bản. 160 xã viên được chia thành 5 đội SX (mỗi đội từ 25 – 35 xã viên). Đội trưởng có trách nhiệm hướng dẫn xã viên SX theo quy trình SX của HTX. Các thành viên trong ban kỹ thuật ở từng đội sẽ chuyển giao KH-KT, chọn con giống tốt, thức ăn, thuốc… cho xã viên.
Hiện nay, HTX nuôi tôm công nghiệp Nhị Nguyệt đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương, không còn hộ thành viên nghèo. Hàng năm, mỗi hộ đóng góp cho các quỹ xã hội từ 7 - 10 triệu đồng. HTX còn xây dựng nguồn quỹ giúp hộ nghèo, khó khăn mượn vốn không tính lãi để đầu tư nuôi tôm.
Nông dân hăng hái tham gia
Ông Trần Văn Quý, Đội trưởng Đội SX số 1, ấp Phong Điền, xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi, cho biết, những năm qua do thấy được lợi ích của việc tham gia vào HTX nên ngày càng có nhiều nông dân tự nguyện viết đơn xin gia nhập.
“Khi tham gia người dân được chuyển giao KH-KT, được đầu tư con giống có chất lượng tốt, thức ăn… đến khi thu hoạch mới thanh toán. Ngoài ra tất cả các khâu hỗ trợ khác như: điện 3 pha, nguồn vốn vay, tiêu thụ sản phẩm cũng được HTX đứng ra làm đầu mối hỗ trợ”. Ông Quý nói.
Xã viên Diệp Văn Hải, ngụ ấp Phong Điền phấn khởi nói: “Trước khi tham gia HTX gia đình tôi vô cùng khó khăn. Sau khi vào HTX lợi ích kinh tế mang lại thấy rõ. 7 đầm tôm nhà tôi hàng năm cho thu nhập hơn 2 tỷ đồng. Có điều kiện tôi đã đăng ký làm đại lý thức ăn để hỗ trợ lại cho các xã viên còn khó khăn”.
Có chung niềm vui như ông Hải, ông Nguyễn Văn Tâm, xã viên Đội SX số 2 tâm sự: “Bản thân tôi và hàng trăm xã viên mang ơn HTX Nhị Nguyệt này nhiều lắm. Nhờ có HTX mà đời sống của anh em xã viên không ngừng được cải thiện. Riêng gia đình tôi từ đầu năm đến nay thu về khoảng 2 tỷ đồng”.
Là người mạnh dạn áp dụng hướng SX mới mà ban lãnh đạo HTX đưa ra, ông Quách Xìa, ấp Chà Là, nhìn nhận: “Phương pháp trải thảm cho đáy ao và áp dụng công nghệ mới vào sản xuất mà HTX đưa ra, năng suất tôm thẻ chân trắng tăng lên 10 tấn/ha/vụ.
Phương pháp này mang đến nhiều lợi ích như: Không chỉ tăng năng suất lên gấp đôi, mà còn tăng vụ (hơn 80 ngày/vụ nuôi); chi phí đầu tư, công chăm sóc giảm so với nuôi tôm sú, lợi nhuận cao hơn”.
Theo các xã viên, vào khoảng cuối năm 2009 đầu năm 2010, HTX nuôi tôm công nghiệp Nhị Nguyệt đưa ra nhiều mô hình sản xuất mới, cho năng suất, thu nhập cao. Điển hình như nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng quy trình công nghệ sinh học tiên tiến.
Sở NN-PTNT Cà Mau khẳng định đây là mô hình SX mang lại hiệu quả kinh tế cao điển hình của tỉnh. Thời gian tới, ngành chức năng sẽ từng bước giảm tình trạng nuôi tự phát nhỏ lẻ, đồng thời triển khai quy hoạch đồng bộ về nuôi trồng thủy sản; phát triển từng loại hình nuôi cho phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng.
Theo đó, ngành chức năng sẽ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ như: khu sản xuất giống tập trung; hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản; tăng cường chuyển giao KH-KT… Phát triển vùng nuôi tôm nguyên liệu tập trung, nhằm tạo ra mô hình SX ổn định và bền vững.