Ô nhiễm nguồn nước
Được biết, nuôi cá lóc trên đất lúa phát triển tự phát rầm rộ, trên địa bàn huyện Hồng Ngự từ hơn 2 năm trở lại đây, chủ yếu ở các xã: Thường Thới Tiền, Phú Thuận B và Thường Phước 1. Do sức hấp dẫn từ lợi nhuận của nghề này mang lại, nên từ một vài hộ nuôi ban đầu, đến nay số hộ đào ao mới và chuyển từ ao nuôi cá tra sang cá lóc đã lên đến hàng trăm hộ.
Các tuyến kênh trên địa bàn huyện từ đó cũng đối mặt với tình trạng nhiễm bẩn nguồn nước do các chủ nuôi cá lóc xả nước thải từ ao nuôi trực tiếp xuống kênh rạch...
Chúng tôi khảo sát tại xã Thường Thới Tiền, đoạn từ cầu ngã tư Năm Hang đến đầu kênh Trung Tâm, có gần 80 ao nuôi cá lóc. Mỗi ao nuôi có diện tích khoảng 800 - 1.000m2. Ao nuôi cá lóc người dân dùng thức ăn công nghiệp và xả nước thải nuôi cá chưa qua xử lý trực tiếp xuống kênh Trung Tâm.
Lúc 9 giờ 30 phút ngày 24/5/2016, phóng viên ghi nhận tại khu vực kênh Trung Tâm (xã Thường Thời Tiền), người dân xả nước thải của ao trực tiếp ra ngoài kênh khiến khu vực đó nước bồi lắng có màu đen hơn so với khu vực khác.
Theo người dân sống xung quanh khu vực này, tình trạng nuôi cá lóc tự phát dọc tuyến kênh diễn ra từ 2 năm nay, đa số người dân thấy việc nuôi cá lóc có lãi cao nên tự ý đào ao nuôi. Do quá trình nuôi tự phát, không có hệ thống xử lý nước thải nên nước từ ao nuôi cá xả trực tiếp ra kênh Trung Tâm làm cho nguồn nước hôi tanh, ô nhiễm. Người dân không còn dám dùng nguồn nước này nữa mà buộc phải mua nước đóng chai để sử dụng, khiến cho chi phí sinh hoạt tăng lên nhiều lần.
Bà Phạm Thị Nhiên ở ấp Trung, xã Thường Thới Tiền, cho biết: “Lâu nay, người dân nơi đây có thói quen sử dụng nước sông phục vụ sinh hoạt và tắm giặt. Tuy nhiên, khoảng hơn 1 năm nay, chúng tôi không thể xuống tắm giặt trực tiếp, bởi nước sông có mùi hôi, trẻ con tắm nước sông thường bị ngứa. Hiện, gia đình tôi phải sử dụng nước đóng chai để uống và nấu ăn, còn tắm giặt thì sử dụng nước sông đã qua lắng lọc”.
Nguy cơ phá vỡ tầng nước ngầm và đê bao khép kín
Không chỉ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, việc xả thải này còn tác động nghiêm trọng đến các hộ trồng lúa xung quanh. Bởi, người dân thường sử dụng nước giếng khoan pha với nước sông nuôi cá.
Trong khi đó, nước giếng khoan có độ mặn pha lẫn với nước thải cá có chứa nhiều độc tố. Nếu những nơi ruộng thấp bị tràn nước nuôi cá về lâu dài sẽ ngấm dần những độc tố trong ao cá lóc gây ngộ độc làm cho cây trồng không năng suất, mức độ nặng có thể làm lúa bị nhiễm độc không lên cây và chết tràn lan.
Bà Nguyễn Thị Phương, ngụ ấp Trung, xã Thường Thới Tiền cho biết, trước đây đã có tình trạng lúa chết xảy ra, theo kết luận của huyện là do ngộ độc hữu cơ nhưng tôi nghĩ một phần cũng do việc nuôi cá này xả thải... Ngoài vấn đề xả thải, chúng tôi cũng đang lo tình trạng người nuôi cá lóc khoan giếng lấy nước nuôi cá sẽ làm ảnh hưởng đến mạch nước ngầm, gây sụp lún và thiếu nước sử dụng nếu xâm nhập mặn tiếp diễn trong những năm tiếp theo. Không những vậy, các hộ nuôi cá lóc còn khoan ống qua đê để lấy và xả nước nuôi cá, điều này cũng gây nguy cơ vỡ đê nếu mực nước lũ vượt trên cao trình đặt ống...
Về vấn đề này, ông Hồ Hoàng Giang - Phó Chủ tịch UBND xã Thường Thới Tiền xác nhận, trên địa bàn xã có tình trạng người dân nuôi cá lóc ngoài quy hoạch, khoan giếng lấy nước ngầm nuôi cá lóc. Xã cũng đã tuyên truyền để người dân ý thức không phát triển nóng diện tích nuôi cá ngoài quy hoạch, tuy nhiên hiện nay giá cá khá hấp dẫn nên người dân cứ lén lút đào ao nuôi. Thống kê chưa đầy đủ, hiện trên địa bàn xã có khoảng có 79 hầm nuôi cá lóc, toàn bộ diện tích nuôi này đều sử dụng nước kênh Trung Tâm. Do người nuôi xả trực tiếp ra kênh dẫn đến bồi lắng rất lớn.
“Địa phương cũng đang lo việc người dân khoan giếng lấy nước ngầm nuôi cá sẽ ảnh hưởng đến mạch nước ngầm, cũng như gây ra tình trạng sụp lún do địa bàn huyện Hồng Ngự là huyện đầu nguồn. Để ngăn chặn tình trạng này, UBND xã đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn giám sát chặt chẽ, ngăn chặn việc khoan giếng trái phép. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là việc khoan giếng của người dân thường diễn ra lén lút vào ban đêm, vào giờ nghỉ của cán bộ... khi lực lượng chức năng đi kiểm tra thì họ đậy lại và nói không sử dụng nên khó xử lý” - ông Giang cho biết.
Tăng cường quản lý để giảm thiểu rủi ro cho người dân
Theo ông Nguyễn Trạng Sư - Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự, từ khi các nhà khoa học và UBND tỉnh khảo sát việc sử dụng nước trên địa bàn huyện, kết luận huyện Hồng ngự không được sử dụng nước ngầm cho sinh hoạt và sản xuất vì có thể gây sụt lún ảnh hưởng đến mạch nước ngầm, huyện đã chỉ đạo và khuyến cáo người dân không được khoan giếng với mọi hình thức. Tuy nhiên, thời gian gần đây, người dân phát triển diện tích nuôi cá lóc ngày càng ồ ạt, số hộ đào ao xa kênh cũng tăng lên nên đã phát sinh tình trạng khoan giếng để nuôi cá tra hoặc cá lóc. Nước giếng có độ mặn kèm thêm độc tố cá thải ra khi đưa ra môi trường làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt.
Cũng theo ông Nguyễn Trạng Sư, việc xuyên ống qua đê bao để xả thải ra kênh rạch cũng là một việc làm sai của người dân. Vì có thể gây hậu quả nghiêm trọng là sụp đê, vỡ đê nếu lũ lớn trên cao trình đặt ống của họ. Khi đó cả đê bao khép kín bảo vệ 2.600ha hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày và đời sống các hộ dân đều bị thiệt hại... Đối với những đối tượng này, địa phương sẽ xử lý 3 vấn đề, một là việc đào ao trái phép, thứ 2 là vi phạm đê điều, thứ 3 là tự ý khoan giếng lấy nước ngầm nuôi cá gây những tác động xấu đến môi trường.
Ông Nguyễn Trạng Sư cho biết thêm: “Huyện cũng rất thông cảm với mong muốn của người dân là chuyển đổi mô hình kinh tế để cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống. Tuy nhiên, đối với mô hình nuôi cá lóc này, huyện không cho phép phát triển ồ ạt là do đây không phải là đối tượng trong danh mục phát triển của địa phương nên không có quy hoạch cụ thể về vùng nuôi, hệ thống cung cấp nước và xả thải, việc phát triển ồ ạt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường từ việc xả thải, khoan giếng lấy nước cũng như vi phạm đê điều từ việc xuyên ống qua đê. Đặc biệt, là vấn đề thị trường tiêu thụ, mặc dù hiện nay giá cá lóc cao nhưng nếu phát triển ồ ạt, cung vượt cầu, giá cá xuống đáy thì thiệt hại không ai khác chính là người nông dân”.
Được biết, với việc phát triển ngoài quy hoạch này, trước mắt huyện vẫn tuyên truyền để người dân có ý thức nhằm hạn chế vi phạm. Riêng đối với những đối tượng cố tình vi phạm, huyện sẽ có biện pháp xử lý hành chính hợp lý. Huyện cũng đang quản lý chặt không cho kobe múc hầm cá hoạt động tại địa phương nhằm tránh phát sinh thêm diện tích ao nuôi cá lóc mới.
“Nuôi cá lóc không phải thu được tiền tỷ như người dân đồn, hiện nay thời tiết bất lợi cũng gây thiệt hại, khó khăn cho nông dân nuôi cá. Về lâu dài, huyện sẽ nghiên cứu, xác định lại những đối tượng chăn nuôi đó có đầu ra ổn định thì địa phương sẽ quy hoạch lại vùng nuôi, trong đó có hệ thống cung cấp nước và thoát nước hoàn chỉnh, giúp người dân ổn định sản xuất. Nhằm tránh tình trạng người dân phát triển diện tích ngoài quy hoạch, tự ý khoan giếng gây ảnh hưởng môi trường và phá hoại tầng canh tác lúa, hủy hoại tầng canh tác...” - ông Nguyễn Trạng Sư, Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự khẳng định.
Ông Nguyễn Trạng Sư - Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự: “Dù hiện nay giá cá lóc cao nhưng nếu phát triển ồ ạt, cung vượt cầu, giá cá xuống đáy thì thiệt hại không ai khác chính là người nông dân...”.
Những năm trước đây, trên địa bàn tỉnh cũng có tình trạng người dân khoan giếng lấy nước nuôi tôm thẻ chân trắng. UBND tỉnh đã cảnh báo và có công văn nghiêm cấm người dân không được khoan giếng lấy nước ngầm nuôi tôm và các loài thủy sản khác. Tuy nhiên, hiện tình trạng này lại tiếp diễn ở vùng nuôi cá lóc. Về tác động, thì cả nuôi cá lóc và nuôi tôm thẻ bằng nước ngầm đều như nhau. Vì trong nước ngầm có muối, nếu nuôi lâu dài vùng đất tại các ao nuôi sẽ bị nhiễm mặn dẫn đến không thể trồng lúa hay bất kỳ loài cây trồng nào khác. Bên cạnh đó, khi xả thải ra môi trường các khu vực trồng lúa lân cận sẽ bị ảnh hưởng, kém năng suất. Về lâu dài sẽ không sản xuất nông nghiệp được, gây phá vỡ quy hoạch sản xuất nông nghiệp.