I. Kết quả quan trắc môi trường, giám sát dịch bệnh
1. Thông số quan trắc môi trường
+ Khu vực nuôi tôm nước lợ: Kết quả quan trắc môi trường khu vực nước cấp cho nuôi tôm nước lợ hầu hết các thông số chất lượng nước đều nằm trong khoảng giá trị cho phép. Thông số vượt ngưỡng cho phép như sau: Hàm lượng COD vượt 1,2-1,5 lần ngưỡng cho phép tại Tân Thủy, Ninh Lộc, Ninh Hòa.
+ Khu vực nuôi tôm hùm lồng: Một số chỉ tiêu môi trường vượt giới hạn cho phép. Nhiệt độ nước dao động từ 30,8-31,2oC có xu hướng tiếp tục tăng do nắng nóng kéo dài. Mật độ Vibrio vượt ngưỡng giới hạn cho phép tại khu nuôi tôm hùm Lạch Cổ Cò, Vạn Thạnh, Vạn Ninh (1,2x103 CFU/mL) và Bình Ba, Cam Bình, Cam Ranh (3,2x103 CFU/mL).
Giám sát dịch bệnh
- Tôm thẻ, tôm sú: 16/22 mẫu tôm thương phẩm nhiễm EHP (mẫu giám sát tháng 6/2019); 01/22 mẫu nhiễm đốm trắng và 01/22 mẫu nhiễm hoại tử gan tụy.
- Tôm hùm: các mẫu giám sát tại Lạch Cổ Cò cho kết quả 3/9 mẫu dương tính với Ricketsia like bacteria (bệnh sữa) và 3/9 mẫu dương tính với Vibrio alginolyticus. Một số vùng nuôi, người nuôi phát hiện tôm nhiễm bệnh đen mang (dấu hiệu bệnh do nấm Fusarium sp. gây ra). Người nuôi tôm hùm vẫn sử dụng thuốc kháng sinh (thuốc tây dùng cho người) để phòng và trị bệnh cho tôm hùm.
II. Khuyến cáo
1. Vùng nuôi tôm nước lợ
- Các vùng nuôi tôm nước lợ có thể lấy nước vào ao chứa lắng, xử lý khử trùng trước khi sử dụng.
- Thời tiết nắng nóng gay gắt có thể làm các yếu tố nhiệt độ, độ mặn tăng cao, pH biến đổi thất thường,…Do đó, người nuôi cần duy trì mực nước từ 1,3-1,5m. Tăng cường quạt nước, giảm phân tầng, đảm bảo lượng oxy hòa tan, tránh trường hợp tôm nuôi bị sốc. Giảm lượng thức ăn cho tôm trong những ngày nắng nóng vượt ngưỡng (trên 33oC). Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường nước ao nuôi như nhiệt độ, pH, oxy hòa tan, độ kiềm để kịp thời phát hiện và xử lý khi có biến động bất thường. Bổ sung đầy đủ vitamin, khoáng chất vào thức ăn nhằm tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi.
Hình 1: Tôm hùm bị bệnh đen mang
2. Vùng nuôi tôm hùm lồng
- Các vùng nuôi có mật độ vi khuẩn Vibrio cao, người nuôi cần thường xuyên vệ sinh lồng nuôi cho nước thông thoáng, tránh hiện tượng hầu, hà, rong rêu làm bít lỗ lưới; theo dõi tôm; san thưa mật độ tôm; tách riêng những cá thể yếu, bệnh; chú ý kiểm tra sự phân tầng nước (nhiệt độ, độ mặn, oxy hòa tan) để điều chỉnh lồng nuôi cho phù hợp.
- Chú ý che phủ lồng bằng lưới lan, tránh ánh nắng quá gay gắt ảnh hưởng tới sức khỏe tôm hùm nuôi.
Hình 4: Che lưới lan tại bè nuôi tôm hùm tại Vạn Thạnh, Vạn Ninh
- Phòng bệnh cho tôm nuôi bằng cách sử dụng thức ăn tươi sống, sát trùng bằng thuốc tím; thu gom chất thải, rác thải, thức ăn thừa, vỏ tôm lột và xử lý theo quy định. Bổ sung các chế phẩm sinh học, vitamin và khoáng chất vào thức ăn cho tôm hùm nuôi nhằm cải thiện sức khỏe, chống chọi được với điều kiện thời tiết bất lợi.