Cũng giống như gia cầm nhập lậu, các loại cá, ếch… khi đã nhập lậu vào Việt Nam đều không qua kiểm dịch. Đây chính là mối nguy cơ lây lan dịch bệnh thủy sản cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Còn tác hại thể hiện rõ nhất đối với sản xuất trong nước thì đã thấy. Cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc đã bị các thương lái cho đội lốt cá tầm Đà Lạt, cá tầm Sa Pa với giá bán chỉ bằng 2/3 giá cá trong nước đã khuấy đảo thị trường.
Theo Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng, trong năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, tình hình phát triển cá nước lạnh ở Việt Nam có dấu hiệu chững lại, không đạt được kế hoạch đã đề ra.
Cá nước lạnh nhập lậu đã làm đảo lộn thị trường cá nước lạnh trong nước, đồng thời khiến cho nhiều doanh nghiệp đầu tư nuôi cá tầm ở Việt Nam chùn bước. Theo Chủ tịch Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng Trần Văn Hào, với giá cá quá rẻ như vậy không thể biết người Trung Quốc nuôi cá tầm bằng loại thức ăn gì, nuôi trong môi trường thế nào, có chất kích thích tăng trưởng cấm dùng trong nuôi trồng thủy sản hay không? Sản phẩm có tồn dư kháng sinh, có bảo đảm các yếu tố vi lượng hay không? Với những tai tiếng về an toàn thực phẩm Trung Quốc thì người dân nên thận trọng với cá tầm nhập lậu.
Sau gần 10 năm được đưa vào nuôi thử nghiệm ở Việt Nam, không chỉ có Sa Pa (Lào Cai) và Đà Lạt (Lâm Đồng) nghề nuôi cá nước lạnh đã phát triển ra hơn 20 tỉnh, thành phố. Năm 2013, Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng đặt mục tiêu đạt sản lượng 900 tấn, trong đó Lâm Đồng 450 tấn, các tỉnh miền núi phía Bắc 250 tấn và miền Nam và Tây nguyên (trừ Lâm Đồng) 240 tấn. Cá tầm là một trong những đặc sản cá nước lạnh, mang lại lợi nhuận cao cho người nuôi. Giá cá tầm trong nước đắt không chỉ bởi điều kiện nuôi khắt khe mà còn do Việt Nam chưa chủ động được về con giống và thức ăn. Tất cả đều phải nhập khẩu. Việc nuôi cá tầm cũng phải tuân thủ quy trình nuôi nghiêm ngặt để sản phẩm có chất lượng tốt cũng như bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh. Vì vậy, hiện ở Việt Nam, việc đầu tư nuôi các loại cá nước lạnh vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn.
Do nhu cầu tiêu thụ lớn khi nguồn cung trong nước chưa đáp ứng đủ, giá bán một số loại cá trong nước lại cao hơn hàng nhập lậu từ 30 - 40% nên đã khiến hàng nhập lậu tràn ngập trên thị trường.
Tại các cửa khẩu phía Bắc như Lào Cai, Lạng Sơn, Móng Cái, Cao Bằng... việc nhập lậu các loại thuỷ sản, đặc biệt là cá tầm thương phẩm đang diễn biến rất phức tạp. Trong thời gian gần đây, lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành phố đã bắt giữ hàng chục vụ hàng thủy sản nhập khẩu có nguồn gốc từ Trung Quốc, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, không có giấy chứng nhận kiểm dịch.
Theo ông Trần Văn Hào, Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Lâm Đồng sẽ kiến nghị các cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn trong việc ngăn chặn cá tầm nhập lậu, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp xem lại quy trình sản xuất, kênh phân phối để làm sao sản phẩm đến tay người dân vừa có giá hợp lý, vừa bảo đảm chất lượng, duy trì và phát triển được thị trường trong nước.
Với trách nhiệm của mình, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Như Tiệp đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thông qua các chợ đầu mối, chợ bán buôn, bán lẻ điều tra chất lượng, thị trường tiêu thụ của các loại thuỷ sản nhập lậu, đặc biệt là kiểm tra các sản phẩm nhập lậu có tồn dư chất cấm hay không. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết: Hiện nay Bộ đang tích cực giám sát và kiểm soát chất lượng nhập khẩu cũng như kiểm dịch tại các cửa khẩu. Bộ đã và đang phối hợp với Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), hải quan cửa khẩu và cảnh sát giao thông để ngăn chặn và kiểm soát vấn đề này.