Nhập nhằng
NNVN có bài viết "Báo động tình trạng dùng thuốc kháng sinh cho người trị bệnh tôm!". Đó mới chỉ một phần bề nổi, vấn đề nhức nhối nhất hiện nay là nhiều ao tôm đã và đang sử dụng tràn lan thuốc kháng sinh thủy sản có nguồn gốc từ thuốc thú y, thuốc không rõ nguồn gốc và hạn chế sử dụng.
Chúng tôi đến khảo sát việc sử dụng kháng sinh thủy sản tại một số vùng ao tôm ở hai tỉnh Long An, Tiền Giang. Tại đây, người dân đang tất bật thả và chăm sóc tôm vụ 2 (thả từ cuối tháng 5 đến hết tháng 8).
Mặt sau thuốc kháng sinh Anti HB
Theo ghi nhận của TS Lê Hồng Phước, Giám đốc Trung tâm quan trắc, Cảnh báo môi trường và Phòng ngừa dịch bệnh Thủy sản Khu vực Nam bộ, so với 2 năm trước đây, bệnh tôm có giảm nhưng không đáng kể, trong đó ngoài bệnh đốm trắng lâu nay do virus gây chết nhanh trong vòng 3 - 5 ngày thì bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (còn gọi là bệnh chết sớm tấp mé) và bệnh vi bào tử trùng, thuộc dạng ký sinh làm tôm chậm lớn, suy giảm với dấu hiệu mềm vỏ đang được quan tâm.
Trong đó, nổi lên là bệnh gan tụy cấp do tác nhân vi khuẩn đã và đang hoành hành trên rất nhiều vùng tôm và cũng làm “tiêu hao” rất nhiều loại thuốc kháng sinh. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa xác định một loại kháng sinh nào khả dĩ gọi là chuẩn và điều trị hiệu quả tốt nhất.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù hoạt chất (chất chính) kháng sinh nguyên liệu hiện chỉ có khoảng 6 - 7 loại nhưng trên thị trường đã xuất hiện hàng trăm tên thuốc kháng sinh thủy sản khác nhau được SX từ nhiều công ty thú y thủy sản có thương hiệu lẫn không thương hiệu.
Chẳng hạn, chỉ với hoạt chất Fluoroquinolones (nằm trong danh mục cấm sử dụng trong SXKD thủy sản xuất khẩu vào thị trường Mỹ và Bắc Mỹ - PV) nhưng do vẫn được sử dụng trong lĩnh vực thú y, nên thị trường đã có vô số tên thương mại được người nuôi tôm mua về sử dụng trong điều trị bệnh tôm mà chắc chắn không thể biết được là chất cấm trong thủy sản, đó là các tên thuốc như Nortrim, E.F.C, Amoxcin, Baytrin, Vimenro, Vimerocin, Genta-Colenro, Well-Enro, Enrotril, Enroflox, Enrocin Neo-flumequine, Enrocin, Cibox, Enromox, Ciprotrim, Enro-Kana, Norcogen, Sulfatin, Cipro-Trime...
Thế nên, nếu nhìn kỹ trên bao bì, quanh đi quẩn lại vẫn là các chất kháng sinh chính như Fluoroquinolones, Oxytetracylin, Doxycycline, Tetracycline, Ciprofloxacin (hạn chế sử dụng), Enrofloxacin (cấm sử dụng)... Trong đó, có thể nói đang “hot” nhất là hai loại kháng sinh Oxytetracylin và Doxycycline.
Từ các chất này, các công ty thuốc thú y thủy sản có thể dùng đơn chất hoặc phối trộn với 1 - 2 loại kháng sinh khác với 1 tá dược nào đó để cho ra thành phẩm thuốc kháng sinh với trọng lượng bao bì từ 500g đến 1kg/bịch, bán với giá “vô thiên lủng”, thấp nhất 200 ngàn đồng/kg, cao nhất 400 - 500 ngàn đồng/kg.
Cũng do nhập nhằng “công dụng” giữa thuốc dùng trong thú y và thủy sản nên các đại lý ở các vùng quê thoải mái bán cho người nuôi tôm, trong đó có 4 nhóm thuốc chính đang cấm phổ biến hoặc hạn chế sử dụng trong thủy sản là Nitrofuran, Enrofloxacin, Choramphenicol và Fluoroquinolones.
Trong khi đó, Fluoroquinolones, Enrofloxacin lại được phép dùng cho thú y và chăn nuôi gia súc. Ngoài ra còn có Tetracyline, mặc dù Việt Nam hạn chế sử dụng nhưng trong thực tế tình trạng lạm dụng, vượt mức của chất này xem ra cũng rất phổ biến.
Bát nháo
Không chỉ kháng sinh có tên, địa chỉ rõ ràng đang có “vấn đề” trong thủy sản mà trên thị trường còn xuất hiện không ít các loại kháng sinh nhập khẩu, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc đưa vào vùng nuôi tôm.
Thuốc kháng sinh thủy sản đang “bủa vây” người nuôi tôm.
Các loại này không chỉ được buôn bán trong các đại lý mà còn được các nhân viên tiếp thị của các công ty thuốc mang đến bán trực tiếp tại các ao tôm với giá rất rẻ, bình quân 150 - 200 ngàn đồng/bịch 1kg.
Anh Vương Đình Thiện, chủ ao tôm 3.000m2 ở ấp 3, xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, mới thả 70 ngàn con giống vào cuối tháng 5 cho hay, gần như vụ tôm nào ở khu vực này cũng bị vi khuẩn gây bệnh gan tụy nên tôm “ăn” kháng sinh như cơm bữa.
“Tui dùng đủ loại kháng sinh, đại lý đưa loại nào dùng loại đó. Ngoài ra, thỉnh thoảng còn dùng của các nhân viên tiếp thị mang đến. Họ bán trực tiếp tại ao, quảng cáo 1 bịch thuốc giá 200 ngàn, nhưng lấy trước 100 ngàn đồng cũng được, lúc nào nuôi có lãi trả, còn không thì xù”.
Chúng tôi tự giới thiệu là nhân viên công ty thủy sản, anh Thiện lôi từ góc nhà ra mấy bịch thuốc kháng sinh rồi hỏi: “Đại lý M.H mới đưa cho tui xài thử loại kháng sinh Anti HB nhập khẩu này, 1 bịch 500g bán 240 ngàn, có dán tem nước ngoài hẳn hoi ở đây nè. Theo hướng dẫn, mình pha nước hoặc trộn thức ăn để xử lý tôm bị gan tụy. Tui đánh 2 bịch rồi".
Tôi nhìn kỹ trên bao bì thấy mặt trước ghi tiếng Anh “Made in Europe” (SX tại Châu Âu) mặt sau ghi tiếng Việt “Đặc trị gan và nhiễm khuẩn” với thành phần đơn chất kháng sinh là “Tetracyline”, “Sản phẩm 100% nhập khẩu từ Châu Âu” của nhà phân phối là Ocean Aquatech Solution LTD.co nhưng tìm đỏ mắt cũng không thấy địa chỉ. Rõ ràng, đích thị đây là loại kháng sinh chui, không rõ nguồn gốc, nói nôm na là chất cấm sử dụng.
Chúng tôi tiếp tục đến thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Ngay tại ao nuôi của ông Võ Văn Tạo có diện tích 5.000m2 ở ấp 1, chúng tôi “choáng ngợp” trước một “liệu trình” điều trị kháng sinh. Đó là kháng sinh tên MK-Dine diệt khuẩn phối hợp với Bio Zym (men), vitamin C, khoáng MC-One, men tiêu hóa prozym, bitalocan (thuốc bổ), yucca (hấp thụ khí độc trong ao) cùng "bộ 3" sản phẩm trị bệnh gan tụy là EMS-F, EMS-4 và EM-G.
"Nói thiệt, dùng nhiều loại quá tui không nhớ hết tên. Trong lúc tôm đổ bệnh, mấy nhân viên của công ty thuốc thay nhau đến tận ao tư vấn bán kháng sinh "phối hợp" nhưng đa phần là tiền mất, tôm vẫn chết”.
Tâm lý nông dân là tiếc của, cứ nghe thuốc kháng sinh nào hay là đem dùng thử, dù tôm bị bệnh đốm trắng là bó tay, nhưng các công ty bán thuốc quảng cáo trị được nên họ vẫn mua về dùng.
Chẳng hạn, loại thuốc kháng sinh VinaKong giá 300 ngàn đồng/kg của một công ty ở quận Gò Vấp, TP.HCM, ghi là "Made in USA, thuốc diệt khuẩn cực mạnh, virus gây bệnh đốm trắng, đầu vàng" được quảng cáo trên bao bì một cách phản khoa học như thế mà vẫn tồn tại được thì đúng là “đại tài”.
Ao tôm của ông Võ Văn Tạo (TT Vàm Láng) đang sử dụng cùng lúc 3 tên thuốc kháng sinh. Trong đó có VinaKong được quảng cáo trị được virus đốm trắng
Bà Thương, chủ đại lý bán thức ăn thủy sản ở ấp 4, TT Vàm Láng thừa nhận, thực tế do kinh doanh thuốc kháng sinh thủy sản có lãi rất cao, “một vốn bốn lời” nên thị trường hiện rất bát nháo. Nhiều tên thuốc chỉ có chất chính kháng sinh là Doxycycline nhưng có công ty bán 400 ngàn/kg, trái lại có công ty lại chào giá rẻ hơn phân nửa.
“Hàng năm ngành thú y tỉnh có kiểm tra thuốc thú y thủy sản trên các địa bàn từ 1 - 2 lần, chủ yếu là các cửa hàng đại lý. Riêng tại các ao tôm thì chưa thấy kiểm tra lần nào”, ông Huỳnh Văn Trí - Chủ tịch UBND xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, cho biết.