Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo “Quy định quốc tế và Việt Nam về hóa chất và kháng sinh sử dụng trong sản phẩm thủy sản” do Dự án EU-MUTRAP phối hợp với Trung tâm Chuyển giao công nghệ và dịch vụ thủy sản Việt Nam (FITES) thuộc Hội nghề cá Việt Nam (VINAFIS) tổ chức ngày 27/5 tại Hà Nội.
Dư lượng kháng sinh - mối nguy gây mất an toàn thực phẩm
Ông Nguyễn Tử Cương - Ủy viên thường vụ, Trưởng ban Phát triển thủy sản bền vững Hội nghề cá Việt Nam - cho biết, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, sản phẩm thuỷ sản của Việt Nam ngày càng được chấp nhận trên các thị trường nước ngoài.
Có được điều này là do các nhà sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã tiếp cận với nguyên tắc kiểm soát an toàn thực phẩm thông qua nhận diện mối nguy và thực hành kiểm soát mối nguy gây mất an toàn thực phẩm ngay tại nơi phát sinh (HACCP).
Tuy nhiên, trong thời gian qua, vấn đề dư lượng kháng sinh được sử dụng trong nuôi trồng thủy sản vẫn khó kiểm soát, vẫn để lọt các lô hàng xuất khẩu thủy sản bị các nước kiểm tra vượt dư lượng kháng sinh cho phép.
Hiện thủy sản của Việt Nam đã xuất khẩu tới 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 4 thị trường nhập khẩu lớn và ổn định là EU, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, từ năm 2010-2015, Việt Nam đã có 323 lô hàng bị cảnh báo không đảm bảo an toàn thực phẩm tại các thị trường này.
Nguyên nhân, các lô hàng bị cảnh báo chủ yếu xuất phát từ công đoạn nuôi trồng, cơ sở nuôi hiện chưa tuân thủ đúng thời gian ngừng sử dụng thuốc trước khi thu hoạch đối với một số hóa chất, kháng sinh được phép sử dụng.
Theo các chuyên gia tại Hội thảo, việc sử dụng kháng sinh, hóa chất trong ngành thủy sản hiện nay đang trong tình trạng báo động. Nếu không khắc phục tốt vấn đề này, ngành thủy sản Việt Nam có nguy cơ sẽ mất dần thị trường và ảnh hưởng lớn đến uy tín, thương hiệu trên thị trường thế giới.
Cần kiểm soát chặt
Theo ông Vi Thế Đang - Giám đốc FITES, Chuyên gia EU-MUTRAP, với mục tiêu hỗ trợ Bộ NN&PTNT, cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy sản của Việt Nam chuẩn bị điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, trước khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, các chuyên gia của Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) đã thực hiện ba nghiên cứu.
Cụ thể là về danh mục các hóa chất, kháng sinh cấm và được phép sử dụng trong sản xuất thủy sản của Tổ chứcCodex và của EU, Hoa Kỳ, Nhật, Hàn Quốc; việc xây dựng và ban hành danh mục hóa chất, kháng sinh cấm và hạn chế sử dụng trong hoạt động nuôi và trong sản phẩm thủy sản của Việt Nam; quá trình sản xuất, phân phối và sử dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam.
Trước tình trạng sản phẩm thuốc, hóa chất, kháng sinh được quảng cáo, bán tràn lan, người nuôi hoang mang không biết đâu là sản phẩm có thể sử dụng được…, các chuyên gia EU-Mutrap cho rằng, cơ quan quản lý cần xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả trên cả nước hệ thống văn bản pháp quy về an toàn thực phẩm, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác phối kết hợp giữa các địa phương, các ban- ngành chức năng tập trung xử lý nghiêm tình trạng nhập lậu, kinh doanh kháng sinh cấm tại những cửa khẩu, vùng nuôi trồng thủy sản.
Cùng với đó, các cơ quan quản lý cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật trong nuôi trồng thủy sản về sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất, kháng sinh. Ngoài ra, tổ chức kiểm tra, thanh tra đột xuất và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm chưa được phép lưu hành tại Việt Nam. Tăng cường công tác kiểm tra chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, thức ăn thủy sản, thu mua kinh doanh thủy sản thương phẩm, sản phẩm cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản theo quy định.
Ông Vi Thế Đang- Giám đốc FITES, Chuyên gia Dự án EU-MUTRAP:
Khi chưa có điều kiện đánh giá nguy cơ đối với hóa chất, kháng sinh trong sản xuất, kinh doanh thủy sản, Việt Nam nên dựa vào danh mục hóa chất, kháng sinh cấp của EU, Mỹ, Nhật Bản để quy định vì các tổ chức, quốc gia này đã có các nghiên cứu đánh giá nguy cơ.