Đến xã Đồng Cam, huyện Cẩm Khê hỏi về anh Nguyễn Văn Hào (dân gọi là Hào ốc), không ai là không biết bởi anh là người đầu tiên nuôi thành công ốc nhồi
Gặp Hào “ốc”, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về anh là một nông dân chân chất thứ thiệt. Khi được hỏi về cái duyên nuôi ốc, anh chẳng cần giữ mánh, nhiệt tình chia sẻ.
Từ 700 con ốc nhồi giống ban đầu, sau 3 năm nhân nuôi, anh Hào ốc đã thu được cả trăm triệu đồng. Ảnh Ngô Hùng.
Theo Hào “ốc”, cái duyên đến với nghề nuôi ốc nhồi thật tình cờ. Đó là vào năm 2015, anh Nguyễn Văn Hào đang loay hoay tính toán về việc nuôi cá gì trong chiếc ao của gia đình thì bỗng nghe Trung tâm khuyến nông huyện Cẩm Khê cung cấp giống ốc nhồi.
“Nghe đến nuôi ốc nhồi, tôi thấy vừa gần gũi lại vừa lạ lẫm. Gần gũi vì trước kia đồng ruộng, ao chuôm quê tôi lắm ốc nhồi. Lạ là sau này có lẽ môi trường không còn tốt nên chúng "biến" đi đâu mất sạch. Sau thời gian suy tính, tôi quyết định lấy 2.000 con ốc nhồi giống về thả ao. Do chưa có kinh nghiệm, số ốc nhồi giống này cứ chết dần chết mòn, rồi cuối cùng tôi đếm sơ sơ chỉ còn lại độ 700 con”, anh Hào chia sẻ.
Cũng theo Hào “ốc”, sau nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ, cũng như nghiên cứu kỹ tập tính của gốc nhồi mà hồi bé anh biết được trong các ao, hồ, đồng ruộng, anh đã quyết định thay đổi phương thức nuôi loại ốc giờ đây đã trở thành đặc sản này.
Theo anh Hào, nuôi ốc nhồi rất dễ, nhưng nguồn nước phải luôn sạch sẽ. Nước ô nhiễm hoặc môi trường nuôi biến động về sinh hóa quá nhanh là 1 trong những nguyên nhân khiến ốc nhồi tự dưng biến mất ở ao, hồ, đồng ruộng ngoài tự nhiên. Ảnh Ngô Hùng
Qua vụ hơn 1.000 con ốc nhồi chết, anh Hào nghiệm ra rằng, ốc giống anh nhận về quá nhỏ, ao nước lại sâu nên ốc bị sốc nước. Sau này, nhận thấy ốc nhồi phát triển tốt ở môi trường nước sạch nên cứ 15 ngày hoặc 1 tháng, anh lại thay nước trong ao 1 lần.
“Từ 700 con ốc giống còn sót lại, ngay trong năm 2015, sau khi nhân bán ốc giống, nuôi thành ốc thịt để bán, trừ mọi chi phí, tôi cũng lãi được khoảng 40 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, với kinh nghiệm tích lũy được, năm 2016, tôi thu lãi 100 triệu đồng và năm 2017 là 130 triệu đồng. Năm 2018, tôi thả nuôi với số lượng tăng thêm, hứa hẹn sẽ có lợi nhuận cao hơn nhiều...”, anh Hào chia sẻ.
Một kinh nghiệm hay khiến anh Hào thành công trong việc nuôi ốc nhồi, đó là đến mùa ốc đẻ trứng, anh không để dưới ao mà gom lại mang vào trong các bể nhỏ.
Kinh nghiệm của anh Hào là khi ốc nhồi đẻ trứng nên lấy từ ao cho vào các bể nhỏ để ấp trứng, tránh bị các con vật ăn mất trứng và trứng nở thành ốc nhồi con với tỷ lệ cao hơn. Ảnh Ngô Hùng
“Ốc nhồi đẻ trứng dưới ao dễ bị phân tán, không thu gom được, bị chuột, rắn ăn hết và tỷ lệ nở thành con sẽ thấp. Nếu cho vào bể nhỏ, mình dễ quản lý, thu gom dễ dàng, đặc biệt là cho trứng vào ấp, đảm bảo độ ấm, tỷ lệ nở thành con sẽ cao hơn”, anh Hào chia sẻ.
Với kinh nghiệm mà mình tích lũy được, anh Hào còn nhiệt tình chia sẻ phương thức nuôi ốc nhồi cho nhiều người dân trong xã và các huyện lân cận.
Anh Hào cho hay, cứ 1m2, anh thường thả khoảng 100 con ốc nhồi, thức ăn của nó cũng rất đơn giản với bèo tấm, rau xanh. Những thứ này, mọi người có thể kiếm rất đơn giản mà không cần phải bỏ tiền mua. "Dễ nuôi, chi phí thấp, lợi nhuận cao lại không mất nhiều công. Đặc biệt, đầu ra của mặt hàng ốc nhồi thương phẩm này thường ổn định, có bao nhiêu, tiêu thụ hết bấy nhiêu...Tôi chưa ế ốc nhồi bao giờ", anh Hào quả quyết.
“Nhu cầu của mặt hàng này luôn rất cao, có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Lợi nhuận cao, dễ chăm sóc và không tốn công nên năm 2018 này tôi nuôi thêm 1 ao nữa. Ngoài nuôi ốc thịt, tôi còn nuôi ốc mẹ đẻ trứng bán giống cho người dân có nhu cầu nuôi cũng như bao luôn việc “chuyển giao công nghệ” nuôi...”, anh Hào cho biết.