Công ty CP Tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN) vừa công bố việc JP Morgan và các công ty liên kết đã cung cấp cho Masan Industrial (công ty con của Masan) một khoản vay trị giá 175 triệu USD có thời hạn ba năm. Khoản tiền thu được sẽ được sử dụng để đáo hạn cho khoản vay 108 triệu USD hiện hữu và tiếp tục đầu tư thêm vào các mảng kinh doanh hàng tiêu dùng của tập đoàn.
Theo Masan, khoản vay mới này chịu mức lãi suất thấp hơn khoản vay 108 triệu USD vào năm 2011. Ngoài ra, khoản tiền 150 triệu USD trong khoản vay này được sự bảo lãnh của Tổ chức Bảo lãnh Đầu tư Đa phương (MIGA), một thành viên của tổ chức Ngân hàng Thế giới (WTO).
Vài ngày trước, Masan cũng công bố việc Quỹ Đầu tư tăng trưởng của TPG (TGP Grouth) của Mỹ đã chi 50 triệu USD để mua 49% cổ phần tại Công ty TNHH Hoa Mười Giờ (một thành viên khác của Masan).
Thời gian qua, không chỉ Masan huy động được nguồn vốn rẻ từ bên ngoài mà một số doanh nghiệp khác như Tập đoàn Vingroup (VIC) cũng bán 20% cổ phần tại Vincom Retail trị giá 200 triệu USD cho Quỹ đầu tư Warburg Pincus của Mỹ.
Thậm chí những doanh nghiệp không ngần ngại khả năng bị thâu tóm để bán cho đối tác nước ngoài phần lớn cổ phần của công ty như Công ty CP Gò Đàng (AGD) bán đến đến 49% cổ phần cho Panga Holdco, một tổ chức đầu tư ở Singapore; hay như đại gia ngành tôm Minh Phú (MPC) dự định bán 30 triệu cổ phần cho CP Foods của Thái Lan với giá 50.000 đồng/cổ phần để thu về số tiền 150 tỉ đồng.
Các chuyên gia cho rằng thời gian qua lãi suất trong nước giảm nhanh nhưng vẫn còn ở mức khá cao, cộng thêm điều kiện cho vay bị thắt chặt nên các doanh nghiệp có tiềm lực trong nước có xu hướng tìm đến nguồn vốn nước ngoài với lãi suất thấp và ổn định hơn.