CHI PHÍ SẢN XUẤT THẤP, LỢI NHUẬN TĂNG
Theo nhiều nông dân, canh tác lúa thông minh trong mô hình lúa - tôm đạt hiệu quả rất cao. Đó là sau khi nuôi một vụ tôm thì tiến hành trồng một vụ lúa, khi đó những chất thải hữu cơ dưới đáy ao sau khi thu hoạch tôm sẽ làm cho ruộng lúa màu mỡ, người trồng lúa chỉ bón một lượng nhỏ phân là đáp ứng nhu cầu phát triển của cây lúa. Còn nuôi tôm sau vụ lúa thì nền đáy ao đã được khoáng hóa nên các chất độc hại trong ao giảm thiểu, hạn chế tình trạng đất vùng nuôi tôm bị lão hóa, đồng thời cắt mầm bệnh trong ao nuôi, môi trường ao tôm ổn định hơn. Nuôi tôm theo mô hình này không cần sử dụng nhiều thuốc, hóa chất dẫn đến chi phí sản xuất thấp, lợi nhuận tăng cao.
Ngoài ra, canh tác tôm - lúa giúp hạn chế sử dụng hóa chất độc hại, sử dụng tài nguyên nước hợp lý theo từng thời điểm và mùa trong năm, thích ứng với điều kiện tự nhiên, thời tiết, khí tượng, thủy văn, tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với sản xuất, thực hành nông nghiệp tốt (GAP), từ đó giúp nâng cao giá trị hàng hóa cho cả tôm và lúa.
Ông Nguyễn Văn Đức (xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân) nói: “Từ khi chuyển sang canh tác lúa - tôm kết hợp, đời sống của nông dân khấm khá hơn trước. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật canh tác mà năng suất lúa cũng như sản lượng tôm mấy năm nay luôn đạt cao, tôm - lúa ít bị dịch bệnh”.
CẦN THÁO GỠ KHÓ KHĂN ĐẦU RA
Sau hơn 10 năm thực hiện mô hình lúa - tôm, sản phẩm lúa trên đất nuôi tôm khá an toàn, có thể được xem là lúa sạch hoặc một dạng sản phẩm của canh tác hữu cơ. Bởi lẽ, trong suốt vụ mùa (từ lúc cấy lúa cho đến thu hoạch), vì không muốn ảnh hưởng đến con tôm (vật nuôi trong ruộng) nên nông dân áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp mà không phun xịt bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào.
Tuy nhiên, sản phẩm lúa trên đất nuôi tôm vẫn bán bằng giá với lúa ở những vùng chuyên canh 2 - 3 vụ. Nguyên nhân là do sản phẩm chưa được chứng nhận chất lượng là gạo sạch. Mặt khác, hiện nay các vùng sản xuất tôm - lúa nằm xen lẫn trong các khu nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh, hệ thống thủy lợi chưa đồng bộ nên vấn đề quản lý nguồn nước, quản lý dịch bệnh đối với mô hình tôm - lúa chưa chặt chẽ; người nuôi chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, thiếu sự liên kết, hợp tác trong sản xuất.
Do vậy, để mô hình canh tác lúa thông minh phát triển mạnh, ngành chức năng cần quy hoạch các dự án để đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp; có chính sách tín dụng hỗ trợ sản xuất; khuyến khích nông dân sản xuất theo hướng hợp tác; tổ chức các điểm trình diễn mô hình điểm để nông dân học hỏi kinh nghiệm và thực hiện.