Ảnh: chăm sóc ao cá tra
Không thể phủ nhận nghề nuôi cá tra một thời giúp người dân tỉnh nhà “ăn nên làm ra”, nhưng giờ đây, nghề này đã gián tiếp gây ra cho người nuôi cá điêu đứng. Nhiều hộ phải lâm nợ, dẫn đến treo ao.
Với lợi thế sông rạch chằng chịt, nguồn nước ngọt dồi dào đã tạo môi trường thuận lợi để con cá tra gắn bó với miền đất Hậu Giang. Theo nhiều hộ nuôi cá tra, sở dĩ số hộ còn nuôi cá đến giờ bởi họ “có ăn, có chịu” (tức là có khi lời, khi lỗ). Trước năm 2007, nông dân nuôi cá tra trên địa bàn thị xã đều được tiếng là đại gia, nhưng từ đó đến nay họ lại mang tiếng là “sang nhà bán đất”. Thậm chí có những hộ bỏ xứ sở đi nơi khác làm ăn vì lâm vào cảnh nợ nần”.
* Treo ao cho an toàn
Trước năm 2007, nghề nuôi cá tra ở thị xã Ngã Bảy phát triển mạnh, với diện tích trên 70 ha. Cũng vì thế mà thị xã đã định hướng quy hoạch vùng nuôi tập trung với quy mô diện tích mặt nước lên đến 250 ha. Đùng một cái, giá cá bấp bênh, người chăn nuôi liên tục bị thua lỗ nên diện tích nuôi cá tra trong những năm gần đây liên tục giảm. Hiện thị xã còn chưa tới 63 ha nuôi cá tra, trong đó, diện tích đang thả nuôi chưa đầy 51 ha, tập trung chủ yếu ở xã Đại Thành, Tân Thành và phường Lái Hiếu. Theo Phòng Kinh tế thị xã Ngã Bảy, trên địa bàn thị xã có khoảng 12 ha không còn thả nuôi cá tra. Trong số này, có không ít hộ chọn giải pháp an toàn là treo ao để tránh nguy cơ nợ nần thêm chồng chất. Nhưng cũng có nhiều hộ tạm thời chuyển sang thả nuôi các loại thủy sản khác.
Sau vài vụ nuôi cá tra thua lỗ hàng trăm triệu đồng, ông Nguyễn Thanh Vũ, ở ấp Xẻo Vông A, xã Hiệp Lợi quyết định chuyển sang nuôi cá rô đầu vuông với hy vọng gầy dựng lại nguồn vốn ban đầu. Mặc dù nuôi cá rô có vụ giúp cho gia đình kiếm lời 50 - 60 triệu đồng, nhưng ông Vũ cho biết sẽ thả nuôi lại cá tra sau khi ao cá rô gần 2.000 m2, mà ông đã từng nuôi cá tra trước đây xuất bán xong. Ông Vũ cho biết: “Nuôi cá rô chi phí tương đương với cá tra. Hiện đầu ra cá rô đầu vuông ổn định. Tuy nhiên, cá rô không phải mùa nào cũng thả nuôi được. Nuôi vào mùa lạnh không khéo ao cá bị bệnh đốm nhớt, nếu chữa trị không nổi là lỗ như chơi. Chưa kể là sản lượng thấp nên tính ra hiệu quả kinh tế không bằng cá tra. Do đó, vụ kế tiếp tôi sẽ thả nuôi lại cá tra. Song, lần này không thả nuôi ồ ạt theo các hộ khác trên địa bàn, tránh dư thừa cá nguyên liệu, bị thương lái ép giá”
Tương tự, diện tích thả nuôi của huyện Phụng Hiệp có chiều hướng đi xuống. Nếu như cuối năm 2011, diện tích nuôi cá tra của huyện đạt 74,5 ha, sản lượng trên 15.000 tấn, thì đến thời điểm này người dân mới thả nuôi được 57 ha. Bởi nhiều hộ nuôi cá thiếu vốn, nhất là thua lỗ dẫn đến treo ao. Đây chính là nguyên nhân lý giải vì sao diện tích thả nuôi cá tra chung trên địa bàn tỉnh đã giảm xuống còn 190 ha như hiện nay.
* Bỗng dưng lâm nợ!
Thâm hụt nguồn vốn, thậm chí treo ao đã đành, nhưng cũng có không ít hộ nuôi cá tra trong tỉnh có lúc phải ngậm “bồ hòn làm ngọt” khi mà nợ nần cứ đeo đuổi cuộc sống gia đình họ sau khi bị thương lái quỵt tiền hay các doanh nghiệp thu mua, chế biến cá tra tuyên bố phá sản. Việc này đồng nghĩa với khoản tiền hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỉ đồng mà người nuôi đổ xuống ao cá tra cũng biến mất.
Kể từ khi Công ty TNHH An Khang (TP.Cần Thơ) tuyên bố phá sản vào thời điểm giữa năm 2011, thì các gia đình họ Đoàn ở xã Tân Thành, thị xã Ngã Bảy trở thành “người giàu phải khóc” vì lâm nợ. Khi mà số tiền bán cá 2,5 tỉ đồng của các thành viên trong gia đình bị Công ty TNHH An Khang từ chối chi trả cả năm nay, nhưng không biết phải kêu cứu vào ai. Anh Đoàn Văn Lâm nói trong uất ức: “Tất cả là tiền vay bạc hỏi chứ đâu phải là vốn của gia đình. Công ty không chịu trả nợ, gia đình tôi chỉ còn cách nhờ ngành chức năng giải quyết. Ngặt nỗi tiền trả lãi ngân hàng đã khó, mà khi khởi kiện ra tòa phải đóng án phí trên 100 triệu đồng thì lấy đâu ra tiền, chưa nói là khởi kiện xong có lấy được tiền không !? Tôi phải thường xuyên lẩn tránh, không dám ở nhà vì sợ chủ nợ đến đòi tiền. Còn ao cá thì bỏ không chờ ngân hàng phát mãi”.
Đồng cảnh ngộ với các gia đình họ Đoàn, còn có 3 - 4 hộ nuôi cá tra khác ở thị xã Ngã Bảy cũng bị Công ty An Khang quỵt nợ với số tiền hàng tỉ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa thể thu hồi vốn ngoài khởi kiện ra tòa. Phó phòng Kinh tế thị xã Ngã Bảy Ngô Văn Khởi cho rằng: Doanh nghiệp quỵt nợ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sản xuất của người dân, bởi phần lớn là nguồn vốn vay ngân hàng. Trước rủi ro ngoài ý muốn, Phòng Kinh tế TX.Ngã Bảy đã thương lượng với ngân hàng cho người dân gia hạn nợ, cũng như khoanh nợ và tiếp tục cho vay mới để người dân tái sản xuất. Qua sự việc này, Phòng Kinh tế TX.Ngã Bảy đã khuyến cáo người dân trước khi bán cá phải tìm hiểu rõ thông tin về năng lực tài chính, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty, doanh nghiệp chế biến cá tra để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra như vừa qua...
Theo Sở NN&PTNT tỉnh, Hậu Giang hiện có trên 190 ha nuôi cá tra trong tổng số trên 6.200 ha nuôi thủy sản, trong đó sản lượng cá tra chiếm 60% tổng sản lượng thủy sản. Điều này cho thấy, sản xuất cá tra đã góp phần rất lớn trong tỷ trọng và giá trị sản xuất thủy sản. Đây còn là sản phẩm xuất khẩu thu ngoại tệ lớn về cho tỉnh.