Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO (thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam-VASEP) cho biết, trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm đạt hơn 1,35 tỉ USD, tăng 4,8% so cùng kỳ năm 2015. Việt Nam xuất khẩu sang 75 thị trường, trong đó các thị trường lớn đều tăng: Thị trường Mỹ tăng 13,8%, EU tăng 6,5%, Hàn Quốc tăng 6%, Trung Quốc tăng mạnh nhất 41,8%, riêng Nhật Bản giảm 8,8%.
Theo bà Hằng, mặc dù thị trường xuất khẩu có dấu hiệu phục hồi nhưng trong thời gian tới, ngành tôm Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức do nguyên liệu không ổn định, hạn hán, xâm nhập mặn làm giảm sản lượng.
Ông Lê Văn Quang, Phó Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Minh Phú cho rằng, ngành tôm Việt Nam đang đối mặt với sự bất ổn, giá thành cao và tính cạnh tranh kém.
Nguyên nhân được ông Quang chỉ ra là do thiếu quy hoạch đồng bộ, diện tích nuôi nhỏ lẻ nên việc vận chuyển, đi lại khi thu hoạch tôm rất khó khăn, làm tăng chi phí. Hơn nữa, hệ thống thủy lợi được đầu tư cho nuôi tôm rất yếu, ít có kênh cấp, thoát riêng mà đa số cấp, thoát ở cùng 1 kênh, nên người thì lấy nước vào nuôi, người thì lại xả nước ra từ chính con kênh đó, làm lây nhiễm dịch bệnh. Vì thế, tỉ lệ thành công của ngành nuôi tôm Việt Nam là dưới 30% trong 5 năm qua, làm giá thành tôm của Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực và trên thế giới 20%.
Nên thay đổi cách tiếp cận về con giống?
Ông Lê Văn Quang cho biết, về con giống, ở Việt Nam chưa có cách tiếp cận với tôm bố mẹ kháng bệnh (SPR) mà chỉ cho phép nhập khẩu tôm bố mẹ sạch bệnh (SPF).
Thực tế cho thấy, ở Ecuador, họ tiếp cận theo hướng tôm kháng bệnh và nuôi ở mật độ thấp (10-30 con/m2), sau 90-100 ngày thì thu hoạch (đạt 50-60 con/kg), năng suất đạt 1-1,25 tấn/ha/vụ, tỉ lệ nuôi thành công trên 90%. Mỗi năm tại Ecuador nuôi 3 vụ, năng suất đạt 3-3,75 tấn/ha/năm. Với cách nuôi này, mỗi ao chỉ cần rộng khoảng 7-10 ha nên chi phí đầu tư thấp, hệ số sử dụng đất cao. Giá thành nuôi tôm thấp, khoảng 55.000 đồng/kg cho tôm loại 50 con/kg.
Trong khi đó, ở Việt Nam thì tiếp cận theo hướng tôm sạch bệnh và nuôi tôm ở mật độ cao (từ 80-120 con/m2); 90-100 ngày thì thu hoạch, năng suất đạt 5-10 tấn/ha/vụ, nhưng tỉ lệ nuôi thành công dưới 30%. Với cách nuôi này thì chi phí nuôi được 1 kg tôm thương phẩm (loại 50-60 con/kg) lên tới hơn 100.000 đồng/kg.
Xây dựng thương hiệu cho các dòng sản phẩm chính
Ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho rằng để ngành tôm phát triển bền vững, cần tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác và liên kết chuỗi giá trị, đồng thời đẩy mạnh phát triển thị trường.
Theo đó, cần sớm thực hiện quy hoạch đồng bộ các vùng nuôi tôm tại các địa phương, tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết, mở rộng diện tích nuôi để dễ dàng hỗ trợ cho việc xây dựng hệ thống thủy lợi, giao thông thuận tiện cũng như quản lý dịch bệnh một cách dễ dàng hơn.
Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng con giống, kiểm soát điều kiện nuôi, áp dụng các công nghệ, giải pháp kỹ thuật nuôi hiệu quả, thân thiện với môi trường, đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Các doanh nghiệp đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho các dòng sản phẩm chính, các sản phẩm chế biến, sản phẩm giá trị gia tăng cao; áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận có uy tín gắn với các chương trình quảng bá sản phẩm.
Các cơ quan nhà nước tăng cường quản lý chất lượng, giá vật tư đầu vào, thường xuyên quan trắc môi trường và cảnh báo sớm tại các vùng sản xuất tập trung. Đồng thời, Sở NN&PTNT các tỉnh cần tăng cường tập huấn cho các hộ nông dân sản xuất, nuôi trồng, chế biến về các mô hình thực hành sản xuất tốt như BAP, GlobalGAP, VietGAP…, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cách kiểm soát dư lượng kháng sinh… để thu được sản phẩm sạch, đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường khó tính.
Theo dự báo của VASEP, nguồn cung tôm nguyên liệu sẽ thiếu hụt trong nửa cuối năm 2016 do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi từ đầu năm, sản lượng cả năm xấp xỉ 600.000 tấn. Dự báo, xuất khẩu tôm năm 2016 đạt khoảng 3,2 tỉ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2015./.