Tuy nhiên, cùng với việc tăng nhanh về diện tích và sản lượng nuôi tôm thẻ chân trắng thì vấn đề cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất còn thiếu đồng bộ, ô nhiễm môi trường, suy thoái hệ sinh thái, dịch bệnh xảy ra thường xuyên là những vấn đề trọng tâm được đặt lên hàng đầu trong chiến lược phát triển nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng tại Nghệ An.
Với diện tích NTTS hằng năm trên 22.000 ha. Trong đó, diện tích nuôi cá nước ngọt trên 20.000 ha, mặn lợ trên 2.000 ha, tiềm năng diện tích nuôi tôm trên cát khoảng 600 ha, đã đưa vào nuôi là 124 ha, tập trung chủ yếu là xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu 60 ha, Diễn Trung huyện Diễn Châu 41 ha, Diễn Thịnh huyện Diễn Châu 10 ha, Quỳnh lập thị xã Hoàng Mai 10 ha, thị xã Cửa Lò 03 ha.
Để nghề nuôi tôm trên địa bàn phát triển một cách bền vững, mang lại hiệu quả và lợi ích lâu dài cho các các hộ nuôi, những năm gần đây, bằng các nguồn hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, dự án CRSD và nguồn ngân sách của tỉnh dành cho Khuyến nông, Trung tâm Khuyến nông Nghệ an đã xây dựng thành công nhiều mô hình nuôi nuôi an toàn sinh học theo VietGAP và một số mô hình ứng dụng công nghệ nuôi tôm thẻ trên cát.
Vụ 1 năm 2016 với tổng diện tích nuôi tôm thẻ trên cát là 124 ha, sản lượng đạt gần 1.300 tấn và đã xuất hiện nhiều mô hình đạt kết quả cao. Sau đây là kết quả một số mô hình:
1. Mô hình nuôi tôm thẻ trên cát của ông Huỳnh Văn Tiến (xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu). Diện tích: 1,5 ha trong đó (0,5 ha ao chứa và 01 ha chia làm 04 ao nuôi). Thả giống vào ngày 15/03/2016. Số lượng giống thả: 1.000.000 con. Kích cỡ giống thả: Postlarvae 12. Thu hoạch sau 85 ngày nuôi kết quả đạt: Cỡ tôm thu bình quân 60 con/kg, tỷ lệ sống trên 90%, sản lượng đạt 15 tấn với giá bán bình quân 160.000/kg, thu về 2,4 tỷ đồng, sau khi trừ các khoản chi phí (tôm giống, thức ăn, thuốc phòng… khoảng 900 triệu) lãi ròng 1,5 tỷ đồng.
2. Mô hình nuôi tôm thẻ trên cát của ông Hồ Sỹ Kiếm (xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Diện tích: 0,9 ha trong đó (0,3 ha ao chứa và 02 ao nuôi, mỗi ao có diện tích 0,3 ha). Thả giống vào ngày 25/03/2016. Số lượng giống thả: 720.000 con. Kích cỡ giống thả: Postlarvae 10.
Thu hoạch sau 90 ngày nuôi sản lượng đạt 9,4 tấn, tỷ lệ sống 85%, cỡ tôm thu bình quân 65 con/kg, với giá bán bình quân 158.000/kg, thu về gần 1,5 tỷ đồng sau khi trừ các khoản chi phí khoảng 600 triệu lãi ròng 900 triệu đồng.
Từ những thành công bước đầu của một số mô hình nuôi tôm thẻ trên cát, theo Trung tâm Khuyến nông Nghệ An, cần rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
- Công tác tập huấn chuyển giao cần tăng cường, đặc biệt là đối với các mô hình nuôi mới, mô hình nuôi thâm canh, phải triển khai ngay từ đầu vụ nuôi để trang bị thêm cho nông dân về kiến thức KHKT;
- Việc áp dụng nuôi tôm thẻ chân trắng không sử dụng kháng sinh và hạn chế hóa chất đồng thời áp dụng các tiêu chí VietGAP theo Quyết định 3824/QĐ-BNN-TCTS ngày 6/9/2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về VietGAP giúp phát triển nuôi một cách bền vững, cho năng suất cao và ổn định.
- Đối với nuôi tôm thẻ thâm canh nhất thiết phải có một diện tích nhất định để làm ao chứa nước, để chủ động nước trong quá trình nuôi.