Tình trạng cá nuôi trong 308 lồng trên sông Đại Giang đoạn qua các xã Thủy Phù và Thủy Tân (TX. Hương Thủy) chết hàng loạt, với tổng trọng lượng trên 130 tấn, ước thiệt hại hơn 2,6 tỷ đồng, khiến dư luận không khỏi xót xa những ngày qua, đã được cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân. Đó là thiếu oxy.
Đây không phải lần đầu người nuôi cá lâm vào cảnh bi đát như vậy, mà trước đây không lâu, cũng trên khúc sông này, có gần 40 tấn cá của 28 hộ dân cũng bị thiệt hại; nguyên nhân cũng do thiếu oxy…
Nguyên nhân cá lồng chết do thiếu oxy cứ lặp đi lặp lại. Năm ngoái, hơn 16 tấn cá nuôi lồng trên sông Bồ cũng đột nhiên chết trắng. Nguyên nhân được cho là dòng chảy yếu, khiến nguồn nước bị ô nhiễm, nồng độ oxy trong nước xuống thấp, làm cá ngạt thở.
Nhiều ý kiến đã chỉ ra rằng, cùng với ô nhiễm nguồn nước, việc người nuôi cá không áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trong quá trình thả nuôi như: mật độ cá quá dày, nhất là khi cá đủ kích cỡ nhưng không sang thưa ra; việc đặt lồng nuôi không hợp lý hay thiếu hệ thống sục khí cho lồng cá… là những tác nhân dẫn đến cá chết hàng loạt.
Nguyên nhân có thể nói là đơn giản vậy thôi, song để thay đổi thói quen, tư duy này nhằm hướng đến một quy trình nuôi cá nước ngọt bền vững, mang lại thu nhập cao, ổn định cho người dân vẫn rất cần sự quan tâm sâu sát của cơ quan chức năng.
Thừa Thiên Huế được đánh giá là một trong những địa phương có tiềm năng về nuôi thủy sản nước ngọt, bởi hệ thống sông hồ phong phú, với tổng diện tích thủy vực nước ngọt gần 5.300 ha; rất thích hợp cho việc nuôi cá lồng, gồm các loại cá có giá trị kinh tế cao.
Phát huy lợi thế này, từ năm 2011, UBND tỉnh đã có Quyết định 621 về việc phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch nuôi trồng thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2020, phát triển 2.360 ha diện tích nuôi thủy sản nước ngọt, sản lượng đạt 6.000 tấn…
Quyết định cũng đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản nói chung, thủy sản nước ngọt nói riêng như: Xây dựng các đề án về chính sách hỗ trợ sản xuất và cung ứng giống tốt, sạch bệnh cho người nuôi; đào tạo và nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác cộng đồng nghề cá, chuyên ngành thú y thủy sản cho lực lượng thú y viên; xây dựng hệ thống cảnh báo quan trắc môi trường và phòng chống dịch bệnh thủy sản; đồng thời, áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường…
Được biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có chừng 14.000 lồng nuôi cá, trong đó lồng nuôi cá nước ngọt khoảng 4.900 lồng. Thực tế cho thấy, nuôi cá lồng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho nhiều hộ dân, tuy nhiên, mỗi khi xảy ra hiện tượng cá chết thường gây ra thiệt hại lớn cho người nuôi, nhiều hộ rơi vào cảnh trắng tay. Cho nên, việc bảo đảm môi trường nuôi cũng như chuyển giao kiến thức khoa học một cách hiệu quả cho người nuôi là hết sức cần thiết, để người nuôi không còn đánh đu với may rủi như thời gian qua.